DetailController

Khoa học - Môi trường

Đưa ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất

04/04/2023 17:00
Trong giai đoạn 2013 – 2022, việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Nhìn chung, các đề tài, dự án đã bám sát những vấn đề căn bản, cấp thiết, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, thế mạnh của tỉnh. Một số đề tài có hàm lượng khoa học cao; các kết quả nghiên cứu đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề ra chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều đề tài, dự án được áp dụng vào sản xuất tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đưa ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất giúp tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường

Thời gian qua, kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ đã được quan tâm đầu tư tăng dần qua các năm và đạt 0,85% tổng chi ngân sách tỉnh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, kinh phí ngoài ngân sách từ các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân chiếm trên 112% tổng mức kinh phí từ ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ. Đến nay, toàn tỉnh có 294 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, hoàn thiệt quy trình công nghệ tăng dần qua các năm, đến năm 2022 đạt khoảng 10%. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh đều đã xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành được vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao về sản phẩm nông sản, chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung; ứng dụng có hiệu quả các loại hình công nghê chế biến, công nghệ sau thu hoạch, như: Các vùng chuyên canh Cam, Bưởi, dược liệu, cá tôm Sông Đà, ...

Trong những năm qua hoạt động khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực trong thành tựu chung của tỉnh, cũng như trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nhiều dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (Chương trình NTMN), Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Chương trình khoa học và công nghệ phát triển bền vững vùng Tây bắc đã và đang được triển khai tại tỉnh, với tổng kinh phí là 124,5 tỷ đồng, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai nghiên cứu 150 đề tài KHCN cấp tỉnh, với tổng số kinh phí thực hiện là trên 68 tỷ đồng. Thời gian qua, đã triển khai 04 nhiệm vụ cấp Quốc gia với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương là 18,5 tỷ đồng, triển khai thực hiện 19 dự án thuộc Chương trình NTMN với số kinh phí thực hiện là 106 tỷ đồng. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và Chương trình NTMN cho thấy, mục tiêu các dự án luôn bám sát được nhu cầu cần thiết, cấp bách của địa phương, các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, qua đó hình thành tập quán canh tác theo kỹ thuật tiên tiến, có tính nhân rộng cao, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ, phòng trừ sâu bệnh hại nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, xây dựng và tạo ra một số vùng sản xuất hàng hóa đặc sản của tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Điểm thành công rõ nhất của các dự án là tạo dựng được mối liên kết 4 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng với tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp nông thôn. Ngoài ra, các dự án cũng góp phần đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho các cơ quan chủ trì và các đơn vị thực hiện các dự án, từ đó khẳng định hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho nhân dân và địa phương vùng triển khai dự án. Nhìn chung các dự án đã đạt được những mục tiêu, nội dung và tiến độ đặt ra, sản phẩm trong các dự án đều có triển vọng tốt, hứa hẹn khả năng mở rộng cao, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án được triển khai đều tập trung vào những hướng ưu tiên trọng điểm của tỉnh, những vùng có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn. Thông qua việc triển khai các dự án thuộc Chương trình NTMN đã huy động được các nguồn nhân lực từ các tổ chức KHCN, doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện.

Công tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã được chú trọng, với 60/150 đề tài đã được triển khai nghiên cứu (chiếm 40%). Đã xác định việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu sâu bệnh và phù hợp với sinh thái ở địa phương, hướng tới phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo giá trị gia tăng của sản phẩm, hình thành khu sản xuất tập trung phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; bảo tồn được 10 nguồn gen quý. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho 31 sản phẩm nông nghiệp, ... Đã nghiên cứu thành công đề tài nghiên cứu thành phần hoá học, đánh giá hoạt tính sinh học của một số hợp chất chính phân lập được từ cây xạ đen tại tỉnh Hòa Bình, qua đó đã phát hiện ra 01 chất mới có khả năng ngừa ung thư, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế và có một bài báo đăng trên Tạp chí Quốc tế, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình sản xuất sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ; cũng từ kết quả nghiên cứu đó, đã tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu tạo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ điều trị ung thư gan và ung thư vú từ cao chiết Xạ đen Hòa Bình với một số dược liệu khác, kết quả của đề tài đã đánh giá hoạt tính ức chế tế bào ung thư gan và ung thư vú của các công thức phối hợp, lựa chọn công thức phối hợp có hoạt tính ức chế tốt nhất với 2 dòng ung thư gan và ung thư vú, được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký sáng chế hợp lệ.

Hoạt động chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn cấp huyện cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp được đưa vào ứng dụng và nhân rộng. "Nhân rộng giống mía tím F1 bằng phương pháp nuôi cấy mô"; “Chăn nuôi gà thịt thả vườn an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học tại xã Phú Lai, huyện Yên Thủy”; “Trồng rau muống sạch vụ đông trên nền nước khoáng tại xã Đông Bắc”...Bên cạnh đó, khoa học và công nghệ đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như: Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Đã xóa bỏ các lò gạch sản xuất thủ công, thay vào đó là triển khai lắp đặt các công nghệ mới để sản xuất các loại gạch không nung, đồng thời đổi mới công nghệ sản xuất xi măng lò đứng sang công nghệ lò quay với năng suất, chất lượng cao, thân thiện hơn với môi trường. Các ngành sản xuất công nghiệp khác như: sản xuất dệt may, thiết bị điện, linh kiện điện tử... tiếp tục có những dự án đầu tư mới với công nghệ cao được triển khai thực hiện./.