Là một trong 9 chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Chủ đề của Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay là "Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015”.
Trong những năm gần đây, tình hình tiêm chích ma tuý có những diễn biến phức tạp. Song hành với nó là tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cũng có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh, tính đến tháng 5/2012, số người nhiễm HIV đã phát hiện ở 11 huyện, thành phố và 144/210 xã, phường, thị trấn với 1.870 người nhiễm (trong đó có 1.332 người chuyển giai đoạn AIDS, 741 người tử vong do AIDS). Từ năm 2009 đến nay tỉnh đã tổ chức xét nghiệm cho 9.500 bà mẹ, trong đó có 17 bà mẹ mang thai xét nghiệm dương tính với HIV.
Bà Nguyễn Thị Thương – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Phần lớn số phụ nữ mang thai nhiễm HIV chủ yếu phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn mang thai hoặc khi chuyển dạ). Do đó, rất khó khăn trong việc tư vấn xét nghiệm tự nguyện, quản lý các bà mẹ nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV. Một trong số những nguyên nhân chủ yếu là do bản thân ngời phụ nữ mang thai và phụ nữ nhiễm HIV thiếu thông tin, kiến thức về lây truyền HIV, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp rộng rãi. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn rất nặng nề.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, theo kế hoạch các họat động của Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ được triển khai từ 1-30/6 trên phạm vi toàn tỉnh với các hoạt động cụ thể: Tổ chức các đợt truyền thông lưu động tại các xã, phường, thôn bản và cụm dân cư về phòng chống HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Thực hiện truyền thông trực tiếp như nói chuyện, tư vấn, thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm thông qua đội ngũ cộng tác viên và nhân viên y tế thôn bản. Bên cạnh đó, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn cơ sở vận động phụ nữ mang thai, đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV tham gia tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tư vấn tại các cơ sở sản khoa và hệ thông chăm sóc sức khỏe sinh sản các tuyến. Đồng thời, tăng cường các hoạt động khám, quản lý thai sản, cung cấp các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nhiễm HIV nói riêng.
Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách có hiệu quả, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ thuốc kháng virus HIV (ARV) và chuẩn bị cung cấp sữa ăn thay thế cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đến ít nhất 6 tháng tuổi. Trong trường hợp trẻ được sinh ra từ mẹ có HIV, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và các cơ sở sản khoa trong toàn tỉnh sẽ thực hiện tư vấn cho các bà mẹ cách nuôi dưỡng trẻ. Ngoài ra, khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn thực hiện tư vấn, chăm sóc và theo dõi trẻ và mẹ có HIV sau sinh. Đồng thời, điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazole cho trẻ sinh ra từ mẹ có HIV.
Trong tháng cao điểm, các địa phương trong toàn tỉnh phấn đấu ít nhất có 80% số phụ nữ từ 15-49 tuổi được tiếp cận với các thông tin về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tư vấn, làm xét nghiệm HIV và quay lại nhận kết quả xét nghiệm trong thời kỳ mang thai lên 30%; Tăng số phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng sớm (từ tuần thứ 14) lên 30%; Tăng gấp đôi (thêm 50%) số phụ nữ nhiễm HIV mang thai đến sinh đẻ tại bệnh viện có dịch vụ chăm sóc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tăng gấp đôi số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và được cung cấp sữa thay thế so với bình quân chung hàng tháng.