Toàn huyện hiện có 65 hợp tác xã, 59 tổ hợp tác. Trong đó có 39 hợp tác xã và 59 tổ hợp tác hoạt đông hiệu quả. Các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ vận tải, du lịch ít hơn, nhưng vẫn luôn chủ động, sáng tạo đổi mới công nghệ, mở rộng hoạt động kinh doanh để tạo việc làm cho thành viên, người lao động. Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh trung bình của 1 hợp tác xã ước đạt 550 triệu đồng. Nhiều hợp tác xã đã hình thành được các chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, có sự gắn kết giữa người dân và doanh nghiệp. Tiêu biểu như: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ, cá lồng, rau an toàn, quýt Nam Sơn. Huyện đã hỗ trợ thúc đẩy 3 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá (Hợp tác xã thương mại dịch vụ Tân Lạc Sơn, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Đông Lai, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Quyết Chiến), góp phần tiêu thụ sản phẩm đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất.
Các tổ hợp tác hoạt động trên nhiều lĩnh vực và khá đều, với vốn hoạt động và giá trị tài sản gần 5,9 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của Tổ hợp tác là trên 35 triệu đồng/tháng. Các tổ hợp tác phần lớn có quy mô nhỏ, tổ chức và quản lý điều hành gọn nhẹ, linh hoạt, phạm vi hoạt động đa dạng và phong phú. Hoạt động chủ yếu là giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm...đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo ở địa phương và là tiền đề để phát triển thành các hợp tác xã.
Bằng việc huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ các hợp tác xã và tổ hợp tác trong xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm. Đến nay, huyện Tân Lạc đã hỗ trợ chuẩn hóa 7 sản phẩm OCOP gồm: Rau Su su, Củ cải Hàn Quốc, Cá Dầm xanh, Trà Giảo cổ lam và 3 sản phẩm Bưởi. Huyện đang tiếp tục thực hiện 2 mô hình là “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hỗ trợ sản xuất Thanh long trái vụ tại xã Đông Lai” và “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và tiêu thụ Chanh leo bền vững tại xã Thanh Hối”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, doanh thu sản xuất, kinh doanh của một số hợp tác xã trên địa bàn vẫn còn thấp; quy mô nhỏ, lẻ; năng lực quản lý điều hành còn bất cập. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ và ứng ựng công nghệ còn hạn chế.
Khắc phục những hạn chế trên và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, thời gian tới, huyện Tân Lạc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ thành lập hợp tác xã. Phối hợp với các sở ngành hỗ trợ chính sách ưu đãi Hợp tác xã. Tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã và thành viên tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp. Tiếp tục củng cố và nâng chất kinh tế tập thể, hợp tác xã, tư vấn thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác, quan tâm hơn đến các lĩnh vực chuyên ngành, giao thông, dịch vụ, du lịch... Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý hợp tác xã, tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, maketing, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân. Định hướng phát triển hợp tác xã kinh doanh thêm nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương./.