Thống kê đến năm 2022, Hòa Bình có trên 459 nghìn hecta rừng tự nhiên, trong đó, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp 298 nghìn hecta, chiếm 64,66%. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 149 nghìn hecta, chiếm 51,70% tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp, bao gồm: Rừng tự nhiên hơn 28 nghìn hecta, rừng trồng trên 69 nghìn hecta, đất trống gần 52 nghìn hecta. Tuy nhiên, hầu hết diện tích rừng trồng áp dụng phương thức sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ, khai thác rừng non với chu kỳ 5-6 năm theo hình thức quảng canh; năng suất, chất lượng rừng còn thấp (khoảng 65m3/ha/chu kỳ); sản phẩm khai thác chủ yếu làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ. Thu nhập cho một chu kỳ sản xuất chỉ đạt 10,4 triệu đồng/ha/năm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2022, tỉnh đã khai thác trên 385ha rừng trồng tập trung với khối lượng trên 32 nghìn m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 3.578 m3 gỗ, trên 46 nghìn ster củi, hơn 738 nghìn cây tre, bương, luồng, giang, nứa, hơn 138 tấn dược liệu… Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 134 tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2022, tỉnh có 214 cơ sở chế biến lâm sản với khối lượng sản xuất trong quý I đạt trên 3.200m3 đồ mộc, trên 36 nghìn tấn dăm băm, hơn 24 nghìn m3 ván ép, trên 1.000 tấn bột giấy…., giá trị hàng hóa ước đạt hơn 320 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 126 tỷ đồng, tiêu thụ nội địa gần 195 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành Công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035. Theo đó, Hoà Bình phấn đấu đến năm 2025, hàng năm, trung bình có 3.000ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn, 6.000ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; có 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Năng xuất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (25 triệu/ha/năm). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đóng góp 16% vào tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.
Định hướng đến năm 2035 có trên 90% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; trong quy hoạch rừng sản xuất diện tích đất trống còn dưới 10%; có trên 60% diện tích rừng trồng trong quy hoạch rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; tỷ trọng ngành lâm nghiệp chiếm 20% tăng trưởng ngành; độ che phủ rừng trên 50%. Giai đoạn từ năm 2020 - 2025, Hoà Bình sẽ hỗ trợ trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao và phân bón 36.000ha; chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn 18.000ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC 31.500ha; thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn. Giai đoạn 2026 - 2035, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn khoảng 82.000ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC trên 59.000ha; tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án khoảng 2.600 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác.
Bên cạnh việc xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất, tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ giống cây Luồng để trồng rừng, điển hình ở huyện Mai Châu. Nhiều năm nay, cây luồng luôn là loại cây chủ lực giúp đồng bào các dân tộc trong huyện xóa đói, giảm nghèo.
Theo một số người dân vùng cao huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã triển khai trồng cây Luồng từ những năm 1997, đến nay cây đã bén rễ và phát triển thành những cánh rừng xanh bạt ngàn. Dọc theo 2 bên bờ của vùng lòng Hồ thủy điện Hòa Bình được bao quanh bởi những rừng cây Luồng xanh bạt ngàn, góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng.
Luồng trồng 1 lần sau đó thu nhiều năm, chỉ khi cây xuất hiện bệnh khuy, sọc tím mới phải chặt bỏ, thay thế cây mới. Việc trồng mới bây giờ cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều vì trồng bằng cây, sử dụng máy móc đào hố, chuyển cây, chứ không giâm giống bằng lóng như trước nên Luồng sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Gia đình nào khéo chăm thì rừng luồng có thể trồng xen Keo, Lát, Xoan..., không trồng xen thì thuận lợi phát triển chăn nuôi gà, trâu, bò vì rộng rãi, thoáng mát.
Hiện xóm Ban, xã Tân Thành, huyện Mai Châu có 40 ha cây luồng, đây là cây trồng thay thế cây Ngô, sắn năng suất thấp của bà con. Những cây Luồng này không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn tận dụng được thân cây Luồng rào vườn, làm lồng cá... Từ năm 1997, các hộ dân trong xóm được tỉnh Hòa Bình hỗ trợ giống cây Luồng để trồng trên những vùng đất dốc. Ngoài được hỗ trợ giống cây luồng để trồng, họ còn được Nhà nước hỗ trợ tiền chăm sóc trong 3 năm. Đến nay, có những gia đình có đến 9 ha cây Luồng, mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng/ha từ bán Măng luồng, thân cây Luồng. Khoản tiền này đã phần nào giúp cải thiện cuộc sống của các gia đình. Bên cạnh đó, bà con nơi đây còn được Nhà nước hỗ trợ tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng luồng.
Theo một thương lái chuyên thu mua thân cây luồng tại xã Tân Thành, huyện Mai Châu, vài năm trở lại đây có các công ty, doanh nghiệp đặt hàng thu mua cây luồng nên đầu ra cũng ổn định. Nhờ đó, bà con trồng rừng Luồng có thể yên tâm trồng và phát triển loại cây này, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vừa góp phần tăng thêm thu nhập./.