Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nghiên cứu đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định rõ danh mục các mặt hàng xuất khẩu thực sự có tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong bối cảnh mới của thị trường thế giới nhằm định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 66 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chia thành 05 nhóm hàng: Nhóm hàng linh kiện điện tử (17 doanh nghiệp), nhóm dệt may (21 doanh nghiệp), nhóm hàng kim loại (02 doanh nghiệp), nhóm hàng nông sản (09 doanh nghiệp) và nhóm hàng hóa khác (17 doanh nghiệp). Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 969,607 triệu USD, tăng 26,48 % so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 686,517 triệu USD, tăng 17,83% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu ngoài tập trung vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU... phát triển thêm một số thị trường mới như: Canada, Anh Quốc, Ấn Độ, Châu Phi...
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Các Hiệp định được ký kết theo đó các yêu cầu, quy định của các quốc gia ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của các mặt hàng. Chất lượng nguồn nhân lực của địa phương đã được nâng cao xong vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Trình độ tay nghề của người lao động còn chưa đồng đều, ý thức kỷ luật lao động chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp chưa đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao của doanh nghiệp FDI.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các nội dung và chính sách của tỉnh về thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế để doanh nghiệp, người dân hiểu và nắm vững các chính sách, pháp luật liên quan đến thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế, về những cơ hội và thách thức khi gia nhập Hiệp định đối tác song phương và đa phương. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nói chung và trong các lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI, ODA), công tác vận động các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài (NGO) nói riêng, nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nguồn đầu tư vào tỉnh. Triển khai xây dựng và ra mắt cuốn Cẩm nang hướng dẫn quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao tư duy, nhận thức và ý thức về Hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phổ biến những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề mới như Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia, các Kế hoạch triển khai các Hiệp định thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các quy tắc, quy định mới khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực,… bằng nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế.