Nhận thức và hành động của hầu hết các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về chống rác thải nhựa có sự chuyển biến tích cực. Phần lớn người dân cũng đã hiểu được tác hại của rác thải nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đe dọa đa dạng sinh học, gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Từ đó có những hành động thiết thực, hiệu quả để cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa. Tại một số địa phương người dân, doanh nghiệp đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, rác thải nhựa sau khi được phân loại sẽ được bán hoặc chuyển giao cho các cơ sở thu mua phế liệu để tái chế, tái sử dụng, từ đó giảm đi rất nhiều lượng chất thải nhựa phát sinh ra môi trường. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện chủ trương không sử dụng nước đóng chai sử dụng một lần trong các cuộc họp và trong sinh hoạt cơ quan, đơn vị, thay vào đó, sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ hoặc phích, bình đựng nước dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách; hạn chế sử dụng băng rôn, áp pích bằng nhựa dùng một lần. Đồng thời, phát động mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động cùng hành động và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon sử dụng một lần”.
Từ năm 2020 đến năm 2022, các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương đã tổ chức hơn 180 Hội nghị, lớp tập huấn, cuộc tuyên truyền; hơn 50 lớp với trên 1.500 lượt người tham gia về hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; hơn 100 lớp với trên 4.000 người dân, hội viên tham gia vận động thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt; 04 cuộc giao lưu truyền thông sân khấu hóa về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa; hơn 30 lễ phát động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa; tổ chức hội thi vẽ tranh, tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa; tặng hơn 3.000 chiếc làn, hàng nghìn chiếc túi siêu thị (túi dùng nhiều lần và có khả năng phân hủy sinh học), hàng trăm kg túi nilon có khả năng phân hủy sinh học cho người dân, hội viên các hội; lắp đặt pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa”…; Đăng tải tin bài về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa tại Website của Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương…
Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn ngành và các địa phương, các sở, ngành liên quan và địa phương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao đã triển khai đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề, các tổ chức xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh... Các đơn vị đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức và người dân trong việc thực hiện bảo vệ môi trường (BVMT), đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” góp phần thiết thực bảo vệ môi trường.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đã được kiện toàn, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường được tăng cường. Triển khai các giải pháp, nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường. Tổ chức biểu dương, khen thưởng và phổ biến nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào chống rác thải nhựa. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ về quan lý chất thải nhựa.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đang tăng cường việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong phát triển sản xuất của các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải trong đó có tái chế và xử lý chất thải nhựa; tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác, công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa tối ưu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa/sản phẩm. Tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy phát triển thị trường tái chế, xử lý chất thải; xây dựng, cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất nhựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 dự án đầu tư có mục tiêu sản xuất các sản phẩm từ nhựa, sản phẩm thân thiện với môi trường thực hiện trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp.
Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 395,2 tấn/ngày, tổng khối lượng thu gom 214,5 tấn/ngày và xử lý được 214,5 tấn/ngày. Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đến hầu hết các xã, phường, thị trấn. Tại đô thị, rác thải sinh hoạt được các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh tập kết tại vị trí các lề đường các tuyến phố, ngõ hẻm giáp nơi sinh sống, được các xe đẩy tay thu rác thu gom về các vị trí tập kết trên các tuyến phố chính, sau đó sẽ được xe tải thu gom theo giờ quy định, vận chuyển về các khu xử lý để xử lý rác. Tại nông thôn, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt do các tổ, đội hoặc hợp tác xã thực hiện và mới triển khai được tại một số xã, còn hầu hết các xã nông thôn và các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa chưa có dịch vụ thu gom, chủ yếu là các hộ dân tự xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp tại chỗ hoặc tại các bãi chôn lấp, đốt rác tự phát. Có tổng số 23 bãi chôn lấp, 07 lò đốt rác thải sinh hoạt.
Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình thực tế. Công tác thu gom, xử lý rác chưa được thực hiện đồng bộ, triệt để trên địa bàn toàn tỉnh, một số địa phương chưa có bãi chôn lấp hoặc khu xử lý rác thải hợp vệ sinh…Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa đồng bộ, do đó, việc triển khai thực hiện phong trào chống rác thải nhựa chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn. Việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nilon là rất khó khăn vì sự tiện lợi, giá thành rẻ, các sản phẩm túi thân thiện môi trường như túi vải, túi giấy, ống hút tre, cốc thủy tinh, cốc giấy, đồ dùng được nhiều lần… Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống rác thải nhựa còn hạn chế; chưa có giải pháp và đầu tư đồng bộ cho công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải..
Để các hoạt động hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác phòng chống rác thải nhựa; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa; tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải…/.