DetailController

Tin từ các đơn vị

Dân khổ vì đường xuống cấp

09/09/2013 00:00

Vài năm gần đây, người dân sinh sống cạnh quốc lộ 12B trên địa bàn hai huyện Lạc Sơn và Yên Thủy đang gặp nhiều khó khăn do đường xuống cấp. Vệc đường xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân mà còn kìm hãm việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hơn nữa, việc tiêu thụ nông sản của bà con nhân dân cũng bị ảnh hưởng do thương lái ép giá.

Mặt đường QL 12B đoạn qua xã Yên Trị (Yên Thủy) đang bị xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nơi đây

 Sở Giao thông vận tải tỉnh cho bết, quốc lộ 12B có chiều dài 94 km bắt đầu từ Ngã ba Ghềnh thuộc địa phận thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình, giao với đường Hồ Chí Minh tại lý trình km46+700 thuộc địa phận huyện Yên Thủy và điểm cuối nối với quốc lộ 6 tại ngã ba Mãn Đức thuộc địa phận huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Trong đó, đoạn nằm trên địa phận tỉnh Hòa Bình có chiều dài 64 km (từ km30+300 - km94), trong đó đoạn từ km80-km94 đã được cải tạo nâng cấp từ năm 2004. Đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối trực tiếp các tỉnh phía nam Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La. Đồng thời nó cũng là trục giao thông huyết mạch của các huyện phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình. Do ý nghĩa quan trọng này nên mật độ các phương tiện lưu thông rất cao và không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.

Trước khi được đầu tư cải tạo nâng cấp, đoạn từ km30+300 đến km80 có quy mô cấp VI với mặt đường đá dăm láng nhựa rộng từ 3,5 đến 5m tùy theo từng đoạn. Do được xây dựng từ lâu và không đồng bộ nên qua quá trình sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của toàn khu vực nơi tuyến đường đi qua. Được sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12B đoạn km30+300 đến km46+700 và đoạn km53+619 đến km80+5.17 được phê duyệt tại Quyết định số 1822/QĐ-BGTVT ngày 24-6-2009; quy mô xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, với mặt đường bê tông nhựa rộng 6,5m; tổng chiều dài được cải tạo nâng cấp là 42,4 km; tổng mức đầu tư là 493 tỷ đồng (trong đó xây lắp: 349,2 tỷ; chi phí tư vấn và chi phí khác: 32,4 tỷ; GPMB: 46,4 tỷ; dự phòng: 64,2 tỷ).

Hiện nay, tuyến đi qua địa bàn các huyện Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Tân Lạc khối lượng đền bù giải phóng mặt bằng theo phương án tổng thể gồm diện tích đất các loại phải thu hồi gần 250.000 m2; số hộ bị ảnh hưởng, gần 2.000 hộ. Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 65 tỷ đồng. Ngay sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã phối hợp với Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng các địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay tổng số mặt bằng các nhà thầu đã được bàn giao là 29/42,4 km (trong đó huyện Yên Thủy là 12,5 km; Lạc Sơn 15 Km và Tân Lạc là 1,5 km).

Theo đó, dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp phần đường và 1 gói thầu xây lắp điện chiếu sáng. Các gói thầu xây lắp phần đường đã triển khai thi công từ tháng 10-2010; riêng gói thầu xây lắp điện chiếu sáng, theo kế hoạch sẽ thực hiện việc lựa chọn nhà thầu trong quý II-2011, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tổ chức đấu thầu.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Công văn số 1946/BGTVT-KHĐT ngày 5-4-2011 chỉ đạo việc thực hiện và giải ngân các dự án thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011; trên cơ sở đó Bộ đã đưa công trình vào diện tạm thời đình hoãn, giãn tiến độ hoàn thành ra sau năm 2015. Đến hết năm 2014 chỉ tập trung thi công đến điểm dừng kỹ thuật, cụ thể là sẽ hoàn thành 3 đoạn tuyến với tổng số khoảng 26/42,4 km (km37 đến km45 dài 8 km; km53+619 đến km63+500 dài 10 km; km72 đến km80 dài 8 km) và 2/3 cầu (cầu Xưa và cầu Khặng). Đến thời điểm hiện nay công trình đã hoàn chỉnh được 12 km mặt đường và 2/3 cầu. Tuân thủ theo kế hoạch điều hành về dừng, giãn tiến độ của Bộ Giao thông vận tải.

Đến hết năm 2012, dự án được giao kế hoạch vốn là 59 tỷ đồng (năm 2011 là 50 tỷ đồng, năm 2012 là 8 tỷ đồng) chủ đầu tư đã giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Năm 2013, dự án được giao kế hoạch vốn là 80 tỷ đồng, chủ đầu tư đã lập kế hoạch thi công trên cơ sở dự kiến phân chia nguồn vốn trên cho xây lắp là 50 tỷ đồng, đền bù GPMB là 30 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay đã giải ngân cho khối lượng xây lắp hoàn thành được 26,3 tỷ; phần vốn cho xây lắp còn lại (23,7 tỷ) dự kiến đến 30/9/2013 sẽ giải ngân hết. Đối với phần vốn dự kiến dành cho công tác GPMB (30 tỷ) chủ đầu tư đang phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện vận động nhân dân cho nợ tiền đền bù GPMB để tập trung nguồn vốn cho xây lắp. Nếu được nhân dân ủng hộ thì có thể sử dụng phần kinh phí này để thi công được thêm khoảng 4-5 Km so với dự kiến đến điểm dừng kỹ thuật.

Có thể nói, quốc lộ 12B hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, công tác thi công đang tiến hành dở dang; trong khi đây là một tuyến có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, nhiều xe có tải trọng lớn lưu thông nên công tác đảm bảo giao thông nhất là trong mùa mưa lũ sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như đời sống nhân dân trong vùng. Ông Hoàng Tiến Sơn, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Thủy cho biết, việc dừng, giãn tiến độ ảnh hưởng đến thi công công trình cũng như đời sống của nhân dân đã được các cử tri ở các xã kiến nghị rất nhiều. Hầu như những cuộc tiếp xúc cử tri nào từ xã, huyện đến cả tỉnh nhân dân cũng kiến nghị. Điều đáng nói là người dân nơi đây sẵn sàng ứng trước mặt bằng để nhà thầu thi công. Hiện nay, cả tuyến đường đã bị xuống cấp nhưng nghiêm trọng nhất là ở các xã Yên Trị, Ngọc Lương, Yên Lạc và thị trấn Hàng Trạm. Thực tế cho thấy, việc đường xuống cấp nên nhiều doanh nghiệp sau khi vào khảo sát địa bàn cũng không muồn về Yên Thủy đầu tư. Trong khi đó việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và bán các sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân cũng khó khăn hơn các nơi khác. Đặc biệt, nhiều xe trọng tải lớn do muốn đi tránh quốc 12B đã đi vào các tuyến đường huyện nên hậu quả là những tuyến đường này cũng đã và đang bị hỏng rất nhiều, trong khi kinh phí bảo trì, bảo dưỡng lại hạn hẹp. Chị Bùi Thị Bích xã Liên Vũ huyện Lạc Sơn bức xúc nhà em bán hàng giải khát ở cạnh quốc lộ 12B được một thời gian rồi. Do đường xấu, mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng nhiều nên mỗi khi trời nắng bụi nhiều lắm. Mỗi ngày em phải lau chùi bàn ghế hai lần do bụi bám. Hơn nữa, khách qua đường muồn dừng chân giải khát cũng ngại do đường bụi bẩn. Có lẽ, con đường này phải hoàn thành thì các quán giải khát như của chúng em mới làm ăn được.

Việc dừng giãn tiến độ dự án có thể làm phát sinh các khối lượng ngoài dự kiến như các vật tư, bán thành phẩm sau khi được phép triển khai tiếp sẽ không sử dụng được nữa nhưng vẫn phải thanh toán cho nhà thầu; các khối lượng công việc hoàn thành đã được thanh toán nhưng do các phần khác chưa thực hiện khi khai thác có thể hư hỏng. Việc dừng, giãn tiến độ dự án dẫn đến giá trị điều chỉnh giá hợp đồng do thay đổi lương nhân công và giá vật liệu lớn. Hơn nữa các vị trí mặt bằng đã được Hội đồng GPMB bàn giao cho nhà thầu nhưng chưa chi trả tiền cho người dân, khi dự án bị dừng lại, việc người dân tiếp tục sử dụng là khó có thể tránh được; khi dự án được thi công trở lại việc giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến công tác GPMB sẽ hết sức phức tạp.

Quốc lộ 12B hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, kết cấu mặt đường gần như đã bị hư hỏng hoàn toàn, nền đường lầy lội, nhiều hạng mục công trình đang tiến hành dở dang. Trong khi đó, đây lại là một tuyến giao thông huyết mạch phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hoà Bình nói riêng và các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung, hàng ngày mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến rất cao, nhiều xe có tải trọng lớn lưu thông. Việc đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ rất khó khăn, phức tạp. Để giảm thiểu các nguy cơ gây mất an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu đưa dự án vào danh mục ưu tiên hoàn thành trước 2015.