Để bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này, Ban biên tập Trang thông tin điện tử Cục Thuế phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hòa Bình có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tấn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh.
PV: Là một đơn vị đang nợ thuế, xong nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế là do các doanh nghiệp khác chiếm dụng vốn. Vậy, ngành thuế có những tư vấn và hỗ trợ gì nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục những khó khăn này?
Ông Bùi Anh Tấn: Theo thống kê, tính đến 30/9/2018, trên toàn tỉnh có 2.525 doanh nghiệp nợ thuế. Tổng số tiền thuế nợ là 352.571 triệu đồng, bằng 13% dự toán Pháp lệnh và 11% dự toán HĐND giao, bao gồm: Nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 176.782 triệu đồng, nợ khó thu là 173.250 triệu đồng, nợ chờ xử lý 2.539 triệu đồng. So với thời điểm 31/12/2017, tổng số tiền thuế nợ tăng 65.396 triệu đồng (tương ứng 23%).
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, việc chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến (bị chiếm dụng vốn: khách hàng nợ tiền hàng, Ngân sách nhà nước chưa thánh toán...; hoặc đi chiếm dụng vốn: nợ thuế, nợ tiền hàng, nợ BHXH, nợ BHYT... Như vậy, việc bị chiếm dụng vốn không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ thuế của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số doanh nghiệp thuộc trường hợp này.
Để giải quyết những khó khăn cho người nộp thuế, bên cạnh việc hỗ trợ về cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính... nhằm giảm thiểu chi phí cho người nộp thuế, đối với trường hợp trên ngành thuế có một số tư vấn sau:
Thứ nhất, trường hợp Người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước thanh toán, Cơ quan thuế đã chủ động thường xuyên rà soát, tuyên truyền và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện lập hồ sơ đề nghị không tính tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 10, Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính, trên cơ sở hồ sơ của người nộp thuế, cơ quan thuế kiểm tra nếu đủ điều kiện theo quy định thì sẽ sẽ ban hành Thông báo không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với doanh nghiệp.
Thứ hai, Người nộp thuế có thể lập hồ sơ đề nghị nộp dần tiền thuế nợ: Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định về nộp dần tiền thuế nợ (thời hạn nộp dần tối đa không quá 12 tháng và có bảo lãnh của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật).
Thứ ba, Doanh nghiệp có thể cung cấp các thông tin, hồ sơ liên quan chứng minh bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của Doanh nghiệp. Trên cơ sở đó cơ quan thuế thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo quy định. (Căn cứ Điều 15, Thông tư Số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính).
PV: Các đơn vị nợ thuế kéo dài đã ngừng hoạt động hoặc chuyển đi nơi khác thì ngành thuế có những giải pháp gì?
Trả lời: Hiện nay, ngành Thuế tỉnh Hòa Bình đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý. Cơ quan Thuế đã xây dựng phương án xử lý nợ và thu hồi nợ thuế trên cơ sở phân loại, rà soát chính xác số tiền thuế nợ, tính chất nợ, trong đó có phương án xử lý đối với nhóm người nộp thuế nợ thuế ngừng hoạt động hoặc chuyển đi nơi khác... Các trường hợp này cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện cập nhật theo dõi trên hệ thống Quản lý thuế tập trung (TMS):
- Trường hợp doanh nghiệp chuyển đến địa phương khác thì cơ quan thuế nơi đến sẽ tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, thông tin về người nộp thuế trên hệ thống quản lý thuế tập trung để tiếp tục thực hiện quản lý đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đúng theo quy định.
- Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động, cơ quan thuế chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp thu hồi tiền thuế nợ:
Phối hợp với Sở KHĐT để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu nợ thuế. Khi doanh nghiệp đề nghị khôi phục mã số thuế để tiếp tục kinh doanh thì yêu cầu doanh nghiệp nộp hết số tiền thuế nợ trước khi khôi phục mã số thuế.
Phối hợp với cơ quan Công an thực hiện cưỡng chế thu nợ đối với người nộp thuế nợ thuế ngừng hoạt động có dấu hiệu bỏ trốn, tấu tán tài sản cố tình nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước... đồng thời cung cấp thông tin, lập danh sách chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho người nộp thuế, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế; Công khai thông tin người nộp thuế có số thuế nợ lớn, cố tình dây dưa, trây ỳ nộp thuế.
Phối hợp với cơ quan Tài nguyên và Môi trường để xử lý các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; báo cáo UBND tỉnh xem xét thu hồi đất, đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với NSNN.
Bên cạnh các biện pháp đã triển khai thực hiện, cơ quan thuế kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý thuế, đưa thêm các đối tượng trên vào hành vi trốn thuế, gian lận thuế và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình,tạo sự công bằng và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
PV: Là đơn vị thứ 3 chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho các đơn vị xây dựng, trong đó các đơn vị xây dựng hiện vẫn đang nợ tiền thuế của doanh nghiệp, vậy doanh nghiệp bên thứ 3 có được giãn nợ thuế hay không?
Ông Bùi Anh Tấn: Luật quản lý Thuế hiện hành không quy định chính sách giãn nợ thuế, mà chỉ quy định các trường hợp Không tính tiền chậm nộp tiền thuế và Gia hạn nộp thuế. Cụ thể:
- Trường hợp không tính tiền chậm nộp tiền thuế được quy định tại Điều 1, Thông tư số 06/2017/TT-BTC ngày 20/01/2017 của Bộ Tài chính:
“1. Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp thuế đúng thời hạn dẫn đến nợ thuế thì không thực hiện cưỡng chế thuế và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán phát sinh trong thời gian ngân sách nhà nước chưa thanh toán.”
- Trường hợp Gia hạn nộp thuế được quy đinh tại Điều 31 Thông tư số156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (được sửa đổi tại Khoản 5, Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính). Gồm các trường hợp sau:
“a) Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
b) Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
c) Không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp là đơn vị thứ 3 (không trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ được thanh toán từ nguồn vốn NSNN) chuyên cung cấp vật liệu cho các đơn vị xây dựng nhưng chưa được thanh toán không thuộc trường hợp được gia hạn, không tính tiền chậm nộp tiền thuế.
Tuy nhiên, đối với trường hợp này, người nộp thuế có thể lập hồ sơ gửi cơ quan thuế để được nộp dần tiền thuế theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 156/2013/TT-BTC (với điều kiện có bảo lãnh của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và thời hạn nộp dần tối đa không quá 12 tháng).
PV: Từ 01/11/2018 các doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn điện tử, tuy nhiên doanh nghiệp tôi mới thành lập hiện chưa đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin nên đơn vị tôi vẫn sử dụng hoá đơn giấy thì việc gửi dữ liệu hoá đơn đến cơ quan thuế sẽ thực hiện như thế nào ???
Ông Bùi Anh Tấn: Ngày 12/09/2018, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định mới về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Theo quy định tại Khoản 2, 3, Điều 36 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định việc xử lý chuyển tiếp như sau:
“2. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn đã mua đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2020 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Trong thời gian từ ngày 01 tháng 11 năm 2018 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử có mã nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức nêu trên thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế xây dựng dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.
3. Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì thực hiện như các cơ sở kinh doanh nêu tại khoản 2 Điều này.”
Căn cứ quy định nêu trên, từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020 nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để áp dụng hóa đơn điện tử mà vẫn tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy thì doanh nghiệp phải gửi dữ liệu hóa đơn theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng đến cơ quan thuế.
Từ ngày 01/11/2020 Doanh nghiệp phải hoàn thành xong việc chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định.
Ông Bùi Anh Tấn: Để phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước được Bộ Tài chính và tỉnh giao, những tháng còn lại của năm 2018. Cục thuế triển khai các giải pháp chính về thu NSNN như sau:
1. Tập trung bám sát 04 nhiệm vụ trọng tâm và các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Triển khai đồng bộ, quyết liệt 17 giải pháp trong 04 nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 đã được thống nhất đề ra tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2017. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo đôn đốc thu nộ thuế. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc đôn đốc thu nộp tiền thuế.
2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế; chú trọng công tác tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính thuế, Thường xuyên tổ chức các “tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”, các hội nghị đối thoại, tập huấn chính sách thuế mới nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng cho doanh nghiệp
3. Quản lý kê khai thuế đảm bảo 100% các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều được đưa vào diện quản lý và kê khai nộp thuế. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế nhằm đảm bảo chất lượng kê khai.
4. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; đảm bảo số lượng và chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu.
5. Tổ chức quán triệt nghiêm túc chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế đến từng cán bộ, công chức. Đồng thời phân công, giao nhiệm vụ xử lý nợ cho từng đồng chí lãnh đạo và công chức quản lý nợ. Phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018.
6. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ. Thực hiện đầy đủ quy chế làm việc của ngành, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm. Triển khai có hiệu quả đường dây nóng của thủ trưởng cơ quan thuế các cấp, để đón nhận và chỉ đạo xử lý tức thì về những hành vi nhũng nhiễu, hạch sách của cán bộ thuế do người nộp thuế phản ánh.
PV: Xin cảm ơn ông.