Theo đó, năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010, ước thực hiện năm 2021 đạt 30.132,5 tỷ đồng, tăng 2,66% so với năm 2020. Trong đó: Khu vực nông lâm thuỷ sản 6.696,8 tỷ đồng, tăng 4,8%, đóng góp 1,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp xây dựng 12.612,8 tỷ đồng, giảm 0,07% làm giảm 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Khu vực dịch vụ 9.122,7 tỷ đồng, tăng 3,75% đóng góp 1,12 điểm phần trăm vào mức tăng chung; thuế sản phẩm 1.700,1 tỷ đồng, tăng 9,9%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tăng trưởng của tỉnh đạt trên trung bình cả nước, đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 13/14 các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Về cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 22,99%; công nghiệp - xây dựng 40,26%; dịch vụ 31,13%; thuế sản phẩm 5,62%. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 60,91 triệu đồng/người, so với năm 2020 tăng 0,94%.
Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm nay mùa đông đến muộn, chưa có đợt rét đậm, rét hại nào xảy ra, nhiệt độ trung bình cả năm vào khoảng 15 - 260C, nhiệt độ không quá thấp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh đạt 11.959,4 tỷ đồng (tăng 4,86%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan đạt 10.551,7 tỷ đồng (tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước; Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan đạt 1.121,6 tỷ đồng (tăng 2,14%) so với cùng kỳ năm trước; Khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 286,1 tỷ đồng (tăng 5,40%) so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021 hoạt động sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn lực tài chính, nguồn lực lao động. Mặt khác ảnh hưởng của thời tiết làm cho lưu lượng nước về hồ Hòa Bình ít hơn hàng năm, lượng nước trong các tháng cuối năm không đủ đáp ứng đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của Công ty Thủy điện Hòa Bình, làm ảnh hưởng chung đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 so với năm 2020 giảm 6,05%. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng ước đạt 2.866,47 tỷ đồng, so với năm 2020 tăng 239,68 tỷ đồng (tăng 9,12%), đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong năm có 415 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 14.680 tỷ đồng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn ước đạt 11.738 tỷ đồng, tăng 13,12% so với cùng kỳ năm trước, các nhóm ngành hàng bán lẻ, một số ngành hàng tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước doanh thu hoạt động vận tải đạt 1.260,02 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 97,76%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 ước đạt 17.989,9 tỷ đồng tăng 2.203,9 tỷ đồng (tăng 13,96%) so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước cả năm 2021 ước thực hiện 5.070 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 4.650 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu ước đạt 420 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương ước thực hiện cả năm 2021 đạt 13.642 tỷ đồng. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 so với cùng kỳ tăng 1,61%. Có 8/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng.
Dân số trung bình ước tính năm 2021 của tỉnh Hòa Bình 871.724 người tăng 1,22% so với năm 2020. Tình hình đời sống cán, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có đời sống ổn định. Tuy nhiên đối với khối doanh nghiệp thì ngược lại, dưới tác động của đại dịch Covid-19 thì người lao động hưởng lương từ các doanh nghiệp có khó khăn nhất định như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khách sạn, nhà hàng, du lịch... Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 2,75 triệu đồng/người/ tháng, tăng 1,58% so năm 2020.
Chất lượng giáo dục các cấp ngày càng đi vào thực chất và bền vững. Đã huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 72,7%; Chất lượng giáo dục tiếp tục được củng cố vững chắc; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,92%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS đạt 99,78%; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,08% tăng 1,93% so với năm học 2019-2020. Ngành Y tế đã thực hiện tốt hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong năm 2021, ước có 720 nghìn lượt người khám, chữa bệnh; 300 nghìn lượt điều trị, trong đó điều trị nội trú khoảng 150 nghìn bệnh nhân.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn; đầu năm, nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp trên đàn vật nuôi; năng lực cạnh tranh nông sản thấp. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chưa cân đối. Các lĩnh vực thuộc khu vực dịch vụ như du lịch, bán buôn bán lẻ, vận tải... đều không đạt so với kế hoạch đã đề ra, khả năng còn gặp khó khăn trong năm 2022. Một số doanh nghiệp hoạt động dưới công suất, cầm chừng do thiếu nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ khó khăn…/.