DetailController

Tin từ các đơn vị

Công tác ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh

18/04/2023 17:00
Tháng 3/2023, 02 đợt không khí lạnh vào các ngày 13 và 26/3 gây trời rét. Từ ngày 22-23/3, nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở tỉnh Hòa Bình, cũng là đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2023 (Lạc Sơn 39,40C và Kim Bôi 41,40C). Theo thống kê, đến ngày 10/4/2023 diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị hạn hán (thiếu nước) là 7.135 ha, chiếm khoảng 31,11% diện tích tưới tiêu vụ Chiêm Xuân, trong đó địa phương bị hạn hán nặng nề gồm có các huyện Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn. Hiện tại các địa phương chưa có thiệt hại gì.
Để khắc phục tác động của thiên tai, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương đã chủ động cân đối nguồn nước trong tình hình hạn hán

Để hạn chế và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản có liên quan và tổ chức kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập và các khu dân cư. Tổ chức, phối hợp với địa phương kiểm tra về tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh vụ Chiêm Xuân năm 2023. Tham gia về việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi do UBND huyện Lạc Thuỷ và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Hoà Bình quản lý. Tổ chức kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền về việc khắc phục sạt lở tại phố Nghĩa Dân, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn; thi công các dự án tại huyện Lương Sơn trong phạm vi bảo vệ và ảnh hưởng đến công trình thủy lợi; hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng công trình: Sửa chữa, nâng cấp liên hồ xã Yên Trị, huyện Yên Thủy.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành Công văn về triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 đề nghị các địa phương được phân bổ vốn báo cáo tình hình triển khai các dự án, hỗ trợ người dân vùng thiên tai. Đến nay đã có 9 công trình và 04 hạng mục hỗ trợ kinh phí di dân sửa chữa nhà ở đã thực hiện thi công hoàn thành, chi trả đúng đủ đối tượng; còn 03 công trình đang thi công đạt từ 29,16 - 97% khối lượng.

Thực hiện Quyết định 424/QĐ-UBND ngày 14/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó phân bổ 60 tỷ đồng từ nguồn Dự phòng ngân sách Trung ương, thực hiện 06 công trình: (1) Xử lý cấp bách về thiên tai gây sạt lở kè bảo vệ đê Đà Giang khu vực K2+538 và thượng lưu cầu Đen do mưa lũ tại phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình; (2) Sửa chữa, khắc phục khu vực sạt lở đoạn cửa nước ra đoạn hạ lưu cầu Đúng; (3) Hồ Sòng Nước; (4) Hệ thống hồ chứa nước hồ Rộc Cằm, hồ Hồi Công, hồ Bai Khi; (5) Sửa chữa, khắc phục sạt lở đường xóm Quà đi xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên; (6) Kè chống sạt lở đường xóm Nà Lụt,  xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, để khắc phục hậu quả thiên tai. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn về việc triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình dự án khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022 gửi các chủ đầu tư, hiện nay các dự án này đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư.

Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4 nắng nóng xuất hiện đầu tháng 4 và có xu hướng gia tăng vào nửa cuối tháng 4/2023. Nhiệt độ trung bình tại tỉnh Hòa Bình ở mức cao hơn  từ: 0,5 - 1,00C so với TBNN cùng thời kỳ. Cảnh báo hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá kèm theo gió mạnh ở một số nơi trong tỉnh gây tác động đến sản xuất và đời sống của người dân. Ngoài ra, do tác động của nắng nóng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, cũng như các khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Do đó, cần xây dựng phương án phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2023; rà soát các điểm dân cư có nguy cơ sạt trượt để sớm có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân…/.