DetailController

Kinh tế

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố Hòa Bình

07/11/2022 00:00
Thành phố Hòa Bình là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Hòa Bình. Trong thời gian qua, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phát huy tối đa các nguồn lực phấn đấu hoàn thành thực hiện các chỉ tiêu được giao năm 2022. Đã huy động tốt nguồn lực tài chính về đất đai để đầu tư; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai được quan tâm giải quyết. Công tác giải phóng mặt bằng đã tập trung vào một số dự án trọng điểm; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ cao.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 30 dự án phải bố trí tái định cư tuy nhiên quỹ đất dành cho tái định cư rất hạn chế

9 tháng đầu năm 2022, phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tiếp nhận và trả kết quả tổng số 866 hồ sơ trong lĩnh vực đất đai; chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đã thực hiện xong 2.272/2.754 hồ sơ trích đo; 5.879/7.020 hồ sơ đăng ký biến động đất đai. Tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn thành phố số thửa đất được cấp Giấy  chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt 82,9% đối với các loại đất, trong đó: Đất ở đạt 93%; Đất Nông nghiệp đạt 73%; Đất Lâm nghiệp đạt 74,2%. Nhìn chung, chất lượng thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận hiện nay đã được nâng cao, hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận có tính đồng bộ, cơ bản đảm bảo sự hài lòng của người sử dụng đất trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. 

Trong 9 tháng, thành phố đã thực hiện đấu giá đối với 06 khu đất các trụ sở không còn nhu cầu sử dụng, bán đấu giá theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017,  tổng diện tích 5.027,5m2, số tiền thu được từ việc bán đấu giá gần 43 tỷ đồng và  01 dự án, tổng diện tích  5.255,3 m2, số tiền thu được từ việc bán đấu giá trên34,4 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa  bàn, UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan, để thực  hiện đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo tiến độ, đảm bảo nguồn thu cho ngân  sách Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác đấu giá quyền sử dụng đất thành phố còn chậm. Đến nay công tác thu  tiền sử dụng đất ước thực hiện 112,5 tỷ đồng, bằng 62,5% dự toán tỉnh và ước bằng 42,9% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố. Nguyên nhân tiến độ chậm chủ yếu do vướng mắc về thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, Nhân dân chưa  đồng thuận về giá bồi thường theo phương án đã được phê duyệt, mà đề nghị được bồi thường như các dự án thỏa thuận. 

Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm  được quan tâm triển khai thực hiện. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các văn  bản hướng dẫn thi hành để làm cơ sở thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển  mục đích sử dụng đất gắn với nhu cầu sử dụng đất trong năm của các ngành, các  lĩnh vực, các cấp.  Công tác giao đất, cho thuê đất được thực hiện trên cơ sở phù hợp Quy  hoạch Kế hoạch sử dụng đất được duyệt, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và tổ chức đơn vị sử dụng  đất trên toàn địa bàn, phục vụ kịp thời việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh  tế xã hội của địa phương. Cơ bản việc giao đất, cho thuê đất được tiến hành đúng  trình tự và thủ tục pháp lý.

Bên cạnh đó, công tác hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng  đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức  triển khai thực hiện và đã có những chuyển biến tích cực. Công tác giải phóng  mặt bằng được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đảm bảo đúng quy trình, chế độ,  chính sách và tiến độ theo quy định của pháp luật.  Hiện nay, UBND thành phố đang triển khai công tác giải phóng  mặt bằng đối với 105 dự án; đã thực hiện hoàn thành công tác GPMB đối với 18  dự án, còn lại 87 dự án đang được thực hiện trong đó có các công trình, dự án lớn, trọng điểm của tỉnh và thành phố. Trong 9 tháng năm 2022, UBND thành phố đã phê duyệt thu hồi gần 200ha đất các loại và phê duyệt phương án bồi  thường, hỗ trợ với tổng số tiền trên 475,7 tỷ đồng đối với 52 dự án, công trình. Tổng số kinh phí chi trả trên 238,8 tỷ đồng. Theo tổng hợp tính đến thời điểm hiện nay có 30 dự án phải bố trí tái định cư, với tổng số hộ là khoảng 2.168 hộ. Tuy nhiên quỹ đất dành cho TĐC trên địa bàn thành phố rất hạn chế.

Trong công tác bảo vệ môi trường, UBND thành phố đã phát động hưởng ứng hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường Thế giới và Ngày Quốc tế đang dạng sinh học năm 2022 bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Vệ sinh môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học;  treo băng rôn, khẩu hiệu tại các tuyến đường chính; in đĩa tuyên truyền và tuyên  truyền trên xe lưu động nhằm kêu gọi, vận động người dân và doanh nghiệp tham gia. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai các mô hình không sử dụng  túi nilon, rác thải nhựa dùng một lần, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho  gần 100 hội viên...Tuy nhiên, hiện nay thành phố đang gặp khó khăn trong công tác xử lý rác thải.

Trong những năm gần đây trên địa bàn thành phố Hòa Bình, nhiều dự án  được triển khai thực hiện, diện tích đất đai có nguồn gốc đa dạng, phức tạp và  luôn biến động, do đó khối lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp  liên quan đến đất đai rất lớn, phức tạp, một số trường hợp kéo dài. số lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai  chiếm khoảng 90% tổng số khiếu nại, kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung vào lĩnh vực thu  hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,  tranh chấp đất đai. Để đảm bảo tốt cho công tác tiếp công dân, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý  nhà nước và tập trung chỉ đạo giải quyết, tổ chức bộ máy, bố trí địa điểm, sắp xếp kế hoạch tiếp công dân định kỳ, thường xuyên và  đột xuất, bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời theo quy định pháp luật. Đồng thời cũng chỉ đạo UBND phường, xã bố trí địa điểm, thành lập bộ phận tiếp công dân, xây dựng quy định, quy chế phối hợp giải  quyết phản ánh, kiến nghị của công dân. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố,  các phòng ban chuyên môn, UBND phường, xã luôn đảm bảo việc trực  tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân theo quy định.

Thời gian tới, UBND thành phố Hòa Bình xác định tập trung làm tốt công tác quản lý tài nguyên và môi trường có tầm nhìn chiến lược, toàn diện các nhiệm vụ theo yêu cầu của pháp luật. Rà soát các nhiệm vụ tài nguyên và môi trường, trong đó có nhiệm vụ quản lý đất đai của giai đoạn trước để bổ sung, hoàn thiện đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu đề xuất giải pháp kế hoạch, lộ trình thực hiện đo đạc bản đồ, hoàn thiện hồ sơ địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các loại đất cần cấp nhằm bao phủ toàn thành phố theo quy định. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Làm tốt công tác quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường, đất công ích, đất do doanh nghiệp sử dụng trái phép, kém hiệu quả. Chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền, nhất là các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp. Nghiên cứu, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các điểm nghẽn trong việc thực hiện thủ tục đất đai đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ động hỗ trợ cho người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai; chỉ đạo kiên quyết và xử lý các tổ chức, cá nhân gây phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu làm ảnh hưởng đến dư luận, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Đổi mới công tác quản lý tài chính đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản. Tiếp tục nghiên cứu giải pháp để xử lý rác thải tồn đọng tại khu vực đô thị thành phố Hòa Bình…/.