DetailController

Tin từ các đơn vị

Công tác dân tộc góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho Nhân dân

28/04/2023 17:00
Trong suốt 77 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Thông qua thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế…, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) trên khắp cả nước đã có những chuyển biến quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, miền núi được củng cố và tăng cường; các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, chợ thương mại được xây dựng khang trang hơn trước; góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, đời sống nhân dân được chăm lo toàn diện, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS nhanh, bình quân từ 3 - 4%/ năm.

Đối với tỉnh Hòa Bình, là tỉnh có trên 2/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, mọi hoạt động của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp đều phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số vì vậy trong một khoảng thời gian khá dài (1946 -1961) tỉnh không thành lập cơ quan làm công tác dân tộc chuyên trách, mà nhiệm vụ công tác dân tộc được phân công cho các cơ quan, ban ngành chuyên môn để tham mưu cho cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc lồng ghép với  công tác chuyên môn của ngành. Tháng 8 năm 2003 tỉnh Hoà Bình được thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quyết định số 164/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Ngày 17/11/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 2497/QĐ-ỦY BAN NHÂN DÂN kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hòa Bình, theo đó chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về công tác tôn giáo sang Sở Nội vụ quản lý, từ đó đến nay cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh với tên gọi Ban Dân tộc - đảm bảo hoạt động ổn định và có hiệu quả. 

Trải qua các thời kỳ cách mạng, cơ quan làm công tác dân tộc ở tỉnh ta với những tên gọi khác nhau, hình thức tổ chức khác nhau, nhưng chức năng và nhiệm vụ không thay đổi: luôn xác định là một cơ quan trực tiếp tham mưu cho Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc tộc thiểu số, đặc biệt là đoàn kết dân tộc, chăm lo đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan làm công tác dân tộc luôn đồng hành đi sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc; làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo ở vùng dân tộc; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Những năm qua, Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp cùng các ngành, các cấp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước và đạt nhiều kết quả quan trọng, trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai khá toàn diện, bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh;cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ chuyển dần từ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ có điều kiện giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên. Diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều đổi mới tích cực. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt, thu nhập kinh tế từ các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều tăng, một số vùng có điều kiện thuận lợi đang hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hoá tập trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn trên địa bàn tỉnh. 

Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện; chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục tiếp tục có sự chuyển biến, đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí; giá trị văn hoá các dân tộc tiếp tục được quan tâm, bảo tồn và phát huy; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi có chuyển biến tốt; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc.

Những năm tới, tỉnh ta xác định nhiệm vụ trọng tâm là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Nâng cao tỷ lệ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. 

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân giảm từ 2,5%-3%; đối với các xã đặc biệt khó khăn bình quân giảm từ 4-4,5%. Phấn đấu có từ 05 xã trở lên thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (công trình đường giao thông đến trung tâm xã, từ trung tâm xã đến thôn, xây dựng trường, lớp học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt,...), ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn phấn đấu thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, các xã phấn đấu về đích nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương, cơ quan./.