DetailController

Khoa học - Môi trường

Công tác cải tạo, khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường làng nghề

31/03/2022 00:00
Các làng nghề ra đời và phát triển đã và đang mang lại những lợi ích về kinh tế, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động sản xuất cũng để lại những tại động về môi trường, cần được quan tâm, xử lý, khắc phục nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, đặc trưng của làng nghề là nằm lẫn trong khu sân cư, sản xuất nhỏ, quan hệ sản xuất làng xã nên việc xử lý môi trường làng nghề còn khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận; chủ yếu là các làng nghề về may, dệt thổ cẩm, mây tre đan với nguyên liệu là sợi tổng hợp được nhập từ nơi khác, hầu như không còn sản xuất nguyên liệu theo truyền thống là trồng bông, nhuộm vải, trồng cây mây, song...Do vậy, sự tác động đến môi trường của các làng nghề được hạn chế hơn.

Hiện tại có Làng nghề chế tác Đá cảnh tại thôn Sỏi, xã Phú Thành (huyện Lạc Thủy) và Làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (huyện Lương Sơn) có ảnh hưởng đến môi trường (có gây ra bụi và tiến ồn, ảnh hưởng đến không khí môi trường xung quanh). Tuy nhiên sự tác động nhỏ, chưa nằm trong diện báo động môi trường làng nghề, các hộ sản xuất đã tự nâng cao ý thức về bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường của làng nghề như: Trang bị đầy đủ bảo hộ cho người lao động thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường; đã đầu tư máy xẻ nhỏ có nước dẫn hạn chế khói bụi; thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án đầu tư phát triển sản xuất tại các làng nghề từ lúc lập dự án đến triển khai xây dựng và đi vào sản xuất tránh sự gây tác hại ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hòa Bình xét, công nhận được 5 làng nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó có 02 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm; 01 làng nghề truyền thống mây, tre đan; 02 làng nghề nấu rượu. Hồ sơ xét, đề nghị công nhận của các làng nghề, làng nghề truyền thống đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường làng nghề; riêng làng nghề nấu rượu Mai Hạ của huyện Mai Châu đã có phương án bảo vệ môi trường được Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh không có làng nghề thuộc danh mục các làng nghề ô nhiễm môi trường cần xử lý theo chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Tuy nhiên hiện nay, do khó khăn về kinh phí nên chưa triển khai các chương trình rà soát, kiểm tra, hướng dẫn trình tự thủ tục, đánh giá, thẩm định công nhận làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cấp hệ thống thu gom chất thải, các cơ sở sản xuất trong ngành nghề truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh.

Để khắc phục những bất cập về môi trường, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về môi trường; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, tăng nguồn lực tài chính, đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Triển khai đầu tư nhiều đề án, chương trình đánh giá, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề; kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm, quy định về bảo vệ môi trường…/.