Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cơn bão số 02 lúc 7 giờ ngày 22 tháng 7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc, 111,5 độ Kinh Đông cách Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khoảng 400 km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km dự báo đến 07 giờ ngày 23/7/2010 vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc, 108,5 độ Kinh Đông cách Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khoảng 80 km sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Thực hiện Công điện số 1250/CĐ-TTg ngày 21/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai ngay một số công việc sau:
1. Phân công cán bộ xuống địa bàn, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các ngành liên quan kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư sống ven sông, ven suối, vùng thấp, trũng, khu vực có nguy cơ bị sạt lở; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão, có kế hoạch di dân ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đói phó với tình huống có mưa, lũ lớn, bị chia cắt dài ngày để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
2. Thông báo cho các chủ công trình đang thi công, đặc biệt các công trình hồ chứa nước, công trình ven sông, suối, các công trình khai khoáng, hầm mỏ để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.
3. Tăng cường công tác tuần tra kiểm tra các hồ chứa nước, các tuyến đê trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư theo phương án đã lập để ứng cứu khi có sự cố, chủ động vận hành xả lũ cho các hồ chứa để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình.
4. Sở Giao thông vận tải kiểm tra các tuyến đường xung yếu có nguy cơ sạt lở, các vị trí ngầm qua đường, cử người canh gác khi có mưa lũ; sẵn sàng các phương án ứng cứu để đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
5. Tiểu ban Lực lượng và tìm kiếm cứu nạnduy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; Đảm bảo an toàn lưới điện, thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
6. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình diễn biến của cơn bão; Tăng cường công tác kiểm tra và báo cáo thường xuyên về Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND tỉnh.
7. Trung tâm khí tượng thuỷ văn Hoà Bình tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về cơn bão số 02 cho Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cấp để chỉ đạo kịp thời.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai phương án đảm bảo an toàn cho tuyến đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm, cống tiêu số 3 và các hồ chứa đang thi công; Uỷ ban nhân dân thành phố Hoà Bình kiểm tra Trạm bơm Quỳnh Lâm, sẵn sàng bơm tiêu úng cho thành phố khi phải đóng cửa cống tiêu số 3 do lũ suối Chăm lên cao và Hồ Hoà Bình xả lũ.
9. Các cơ quan thông tin đại chúng ở tỉnh và các địa phương tăng thời lượng đưa tin, thường xuyên thông báo diễn biến của bão số 02 cho các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và nhân dân để chủ động phòng, tránh./.