Triển lãm ảnh “Còn và mất” của Eva Lindskog và Lê Thiết Cương đang diễn ra tại Gallery 39 Lý Quốc Sư (mở cửa đến hết ngày 28-3), có thể khiến người ta thấy lại trong đó một thời đoạn lịch sử. Cũng có thể, chỉ là những khoảnh khắc chứa đầy hoài niệm…
1- Bây giờ, có lùng sục khắp Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, cũng không tìm đâu thấy cảnh những người phụ nữ cặm cụi ngồi gõ máy chữ, đánh máy thuê ở bên hè phố nữa. Chiếc máy chữ tróc sơn, cần chữ nâng lên nhịp xuống lách cách đều đặn, tệp chữ hiện ra trên giấy mỏng cặp cùng với cả mảnh giấy than... Thật khó tin những năm 80 của thế kỷ trước, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, phần đông vẫn chưa nhìn thấy cái máy tính.
Những chiếc máy chữ cuối cùng đó đã rời khỏi đời sống đô thị không biết từ khi nào. Cũng như rất nhiều hình ảnh, giờ chỉ còn lưu giữ trong ký ức một thế hệ cũ.
Trong những bức ảnh của Eva Lindskog- nhà xã hội học người Thụy Điển, đó là cảnh một toa tàu điện chen chúc người. Những đứa trẻ đu bám theo phía đuôi toa tàu, còn bên trong chất đầy gồng gánh. Cảnh phố Tràng Tiền như rộng thênh với thưa thớt xe đạp và người đi bộ. Hoặc những cô gái tươi cười trong những bộ quần áo kiểu cách giống hệt nhau, đứng bên một chiếc xe đạp có biển số. Xe đạp hồi đó phải đăng ký.
Còn trong những ảnh của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, là chiếc máy chữ đó, là xơ mướp, là những quán cóc bán thuốc lào bên vỉa hè. “Độc đáo” hơn, là hình ảnh một bà cụ “vén quần” giữa đường cuối những bậc thang như một “nhà vệ sinh công cộng”. Những hình ảnh, mà nếu nhìn từ góc độ giao thông công chính, hay trật tự đô thị, thì chẳng có gì phải tiếc nuối khi đã biến mất. Nhưng, ở một góc độ nào đó, có thể thấy trong đó những hồn nhiên thương khó một thời.
“Chả cứ những gì bị mất đi đều không hay, chả cứ những gì mới đến đều hay. Nhưng bất cứ một sự việc, một thân phận nào dù nhỏ cũng đều là một phần của lịch sử”. - Họa sĩ Lê Thiết Cương nói.
Nhiếp ảnh chính là để làm ngưng đọng những khoảnh khắc, giữ lại những điều đã mất…- như Lê Thiết Cương bày tỏ ấy. Hai mươi bức ảnh đen trắng chụp bằng máy cơ của Eva Lindskog từ tháng 3 năm 1975 đến tháng 6 năm 1989. Còn hai mươi bức của Lê Thiết Cương chụp từ 1997 đến nay bằng phim mầu và máy ảnh số... được chọn lọc trong kho ảnh của hai người, là những khoảnh khắc ngưng đọng từ quá khứ, bày ở triển lãm này, như thể trở về từ hoài niệm. Khuôn mặt của những thành phố Việt Nam, từ ra khỏi hai cuộc chiến tranh đằng đẵng, đến đói nghèo thời bao cấp, những chuyển mình sau đổi mới, những va đập, hư hao, rồi bồi đắp, như một gạch nối mất – còn. Những lát cắt rất tĩnh lặng, chứa nhiều suy tư.
2- Có một điểm chung giữa EvaLindskog và Lê Thiết Cương: cả hai người đều là những người chụp ảnh không chuyên nghiệp. Lê Thiết Cương là họa sĩ và Eva Lindskog là nhà xã hội học. Nhiếp ảnh đối với họ - là nơi lưu giữ những khoảnh khắc đã đi qua, những điều không còn nữa.
“Cuộc sống thì luôn đổi thay nhất là ở xứ này, thời chiến tranh loạn lạc ly tán, thời hậu chiến nghèo đói, tiếp đến thời mở cửa, ăm ắp sự kiện, còn mất, được mất. Nhiều cảnh, nhiều sự, nhiều cảnh đời, mất đi hay nói đúng hơn là bị thay đi bằng những điều mới”-Lê Thiết Cương nói.
Eva có lẽ là người nước ngoài sang Việt Nam sớm nhất từ sau chiến tranh, và cũng là người ở lại, gắn bó và yêu thương Việt Nam một cách đặc biệt. Bà sống và làm việc ở Hà Nội từ những năm 80 thế kỷ trước và chuyển vào TP. Hồ Chí Minh nhiều năm nay.
Eva Lindskog có lẽ cũng là người hiếm hoi chụp ảnh ghi lại nhiều nhất những hình ảnh Việt Nam sau chiến tranh và thời bao cấp. Chính Lê Thiết Cương là người đầu tiên được biết đến “kho” phim đen trắng nặng tới mấy cân và được bảo quản rất cẩn thận của bà. Chọn lọc trong đó, anh đã thực hiện hai triển lãm ảnh cá nhân của Eva, một tại Gallery của mình ở phố Lý Quốc Sư và một triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học mấy năm về trước. Nhiều người Việt Nam, khi nhìn lại những hình ảnh của quá khứ dân tộc mình trong những bức ảnh của Eva, đã rất ngạc nhiên và xúc động.
Triển lãm lần này, như một lời từ biệt của Eva Lindskog. Sau nhiều năm yêu thương và gắn bó với đất nước Việt Nam, tháng 5 tới, bà sẽ trở về hẳn Thụy Điển.
“Soi từ khoảng 800 tấm phim để chọn ra 20 bức của Eva trong lần triển lãm này, thực sự là một khó khăn đối với tôi. Không phải chỉ vì quá khó để chọn lựa hình ảnh nào, khoảnh khắc nào để in trong cuốn catalogue và bày trong khuôn khổ Gallery, mà là vì chính những hoài niệm ập về trong đó. Có những bức nhìn “thương” đến nỗi tôi không đủ can đảm treo lên”. – Lê Thiết Cương nói.
Những hoài niệm đó, lại sẽ theo Eva trở về Thụy Điển. Bởi theo Lê Thiết Cương, hiện tại không có cách nào tốt hơn thế. Không ai hết ngoài Eva có thể tin chắc về điều kiện bảo quản và lưu giữ kho hình ảnh tư liệu quý giá ấy...