Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta không ngừng tăng. Cơ giới hóa trong làm đất lúa đạt 95%; cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đạt khoảng 60% tập trung tại các địa phương đã dồn điền, đổi thửa như: Yên Thủy, Lương Sơn, Kim Bôi,Thành phố Hòa Bình. Tỷ lệ tưới tiêu chủ động bằng các máy bơm công suất lớn trong sản xuất cây có múi đạt trên 90%. Áp dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả có múi, trên rau có khoảng trên 1000 ha góp phần giảm công lao động trong sản xuất. Bước đầu ứng dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (UAV) trên cây lúa và cây sắn. Đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho một số cơ sở sơ chế, bảo quản như: Cơ sở sơ chế sản phẩm rau hữu cơ Lương Sơn, cơ sở bảo quản sản phẩm cam của Doanh nghiệp xây dựng Quang Hà – Cao Phong; Nhà sơ chế, đóng gói Công ty TNHH đầu tư và thương mại Tiến Ngân; nhà máy chế biến rau quả của Công ty TNHH Pacific tham gia liên kết sản xuất với các địa phương…
Trong chăn nuôi, các địa phương đã ứng dụng cơ giới hóa trong thiết kế cải tạo hệ thống chuồng nuôi. Trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) nuôi lợn thịt. Trên 70% chăn nuôi quy mô nhỏ và nông hộ chăn nuôi lợn thịt sử dụng hệ thống máng ăn, thiết bị núm uống tự động để lợn, gà có thể chủ động ăn, uống theo nhu cầu, đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt nhất. Đối với chăn nuôi đại gia súc, các trang trại và nông hộ đều áp dụng cơ giới hoá để chế biến thức ăn. Chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Trong lâm nghiệp, đã thực hiện hỗ trợ, đầu tư xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động trồng, chăm sóc, khai thác rừng; góp phần giảm giá thành vận chuyển, bảo vệ và phòng chống cháy rừng hiệu quả.