DetailController

Chính trị

Cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên

22/07/2022 00:00
Chi tiêu ngân sách Nhà nước là một trong hai thành phần cấu tạo nên tổng thể ngân sách Nhà nước, đóng vai trò quan trọng, trực tiếp thúc đẩy, điều hành mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Cơ cấu lại hoạt động này tập trung vào điều chỉnh lại quy mô chi ngân sách Nhà nước, tương quan giữa các cấu phần chi ngân sách Nhà nước nhằm phân bổ nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển. Cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, việc cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước thích ứng với yêu cầu của thực tế là một đòi hỏi có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự toán chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực chi, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, xây dựng đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, các chính sách cho người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn di thiên tai, dịch bệnh. Xây dựng dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành; kinh phí sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất theo quy định. Xây dựng dự toán chi thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể phải gắn với mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, thực hiện kiêm nhiệm chức danh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên, hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị… tăng chi từ nguồn thu sự nghiệp công, tăng tỷ lệ tự đảm bảo các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm phần ngân sách Nhà nước; dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, thực hiện chuẩn nghèo, chi trợ cấp xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã thực hiện sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, đối với cấp tỉnh giảm từ 31 ban xuống còn 03 ban, cấp huyện giảm từ 145 ban xuống còn 11 ban, cấp xã không còn Ban Quản lý dự án (trước đây có 365 ban); sắp xếp lại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện đã giảm được 248 đơn vị. Tích cực thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, kết quả đã giảm được 59 đơn vị hành chính cấp xã và 01 đơn vị hành chính cấp huyện. Tỉnh đã ban hành Đề án và thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, xóm, tổ dân phố, qua đó, giảm từ 2.058 xuống còn 1.428 thôn, xóm, tổ dân phố, giảm 576 thôn, xóm, tổ dân phố. Kết quả sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế từ tỉnh đến cơ sở đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi thường xuyên mỗi năm.

Chi đầu tư trong giai đoạn 2017 – 2022 đã có mức tăng trưởng ấn tượng, tổng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2022 so với năm 2017 tăng 77%, nhưng chi đầu tư tăng 364%, chi thường xuyên chỉ tăng 34%. Tỷ trọng chi đầu tư năm 2017 chỉ chiếm 12% trong tổng chi cân đối ngân sách địa phương, năm 2022 đã tăng lên 32%, chi thường xuyên giảm tỷ trọng từ 86% xuống còn 66%. Tiết kiệm chi thường xuyên là một nguồn lực quan trọng để tăng chi đầu tư phát triển, từ nguồn vốn đó, hàng chục công trình dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư như: Cầu Hoà Bình 2; đường Chi Lăng kéo dài nối Quốc lộ 6; chống ngập, úng từ Công viên Tuổi trẻ đến kênh tiêu 20; đường tránh di tích Nhà máy in tiền tại huyện Lạc Thuỷ; đường Quang Tiến – Thịnh Minh, thành phồ Hoà Bình, hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phú Thành II, huyện Lạc Thuỷ; cải tạo, nâng cấp đường vào Cụm công nghiệp xóm Rụt xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn; thực hiện Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh; bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Đầu tư phát triển./.