DetailController

Sức khỏe - Đời sống

CLB Tự lực hy vọng- Nơi chia sẻ với người có HIV

06/01/2014 00:00
Được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển cộng đồng (Cohed) hỗ trợ, ngày 9/9/2011, UBND xã Mai Hịch ký quyết định thành lập CLB Tự lực hy vọng- Nơi chia sẻ với người có HIV. Đây là ngôi nhà chung của những người có HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Mặc dù mới đi vào hoạt động không lâu nhưng CLB đã hoạt động rất hiệu quả từ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng đến chống kỳ thị, giúp đỡ các thành viên chủ động hòa nhập cộng đồng.

Ông Vì Văn Tít, Chủ tịch xã Mai Hịch cho biết: “Lãnh đạo xã rất quan tâm đến những người bị HIV ở địa phương vì đa phần bà con ở đây đời sống kinh tế khó khăn, nên giúp đỡ hỗ trợ động viên bà con về mặt tinh thần cũng như hướng bà con phát triển  kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống là việc chúng tôi đã và đang làm. Đặc biệt, từ khi có các chương trình truyền thông về phòng chống HIV/AIDS tới bản làng, bà con xóm giềng đã hiểu về HIV. Do truyền thông tốt nên nhận thức của người dân nơi đây về HIV/AIDS được nâng lên rõ rệt. HIV không dễ lây nhiễm như mọi người vẫn nghĩ, HIV cũng không đáng sợ nếu như biết cách phòng tránh. Bà con dân bản đã thay đổi cách nhìn, sự kỳ thị giảm dần thay vào đó là những tình cảm thương mến, cảm thông”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Vì Văn D, tổ trưởng CLB Tự lực hy vọng tâm sự: “Cũng do đua đòi tiêm chích ma túy, em biết mình nhiễm HIV khi mới 16 tuổi. Lúc đầu để hòa nhập cộng đồng, em gặp rất nhiều khó khăn, mọi người không hiểu xa lánh, bản thân luôn nghĩ mình là kẻ bỏ đi, sống không bằng chết. Khi ấy, trong nỗi bàng hoàng, em tưởng chừng mình không thể sống tiếp. Đối với chúng em, CLB Tư lực hy vọng - đây chính là mái nhà chung của những người có H. Khi mới thành lập, CLB có 14 người (mới đây đã mất 2 người). CLB được tổ chức sinh hoạt thường xuyên, từ đó tạo cơ hội để những người có HIV được tâm sự, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để từ đó có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Và cũng nhờ được Trung tâm Cohed tuyên truyền, chia sẻ với bà con, nên chúng em đã nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ của mọi người. Những người bị nhiễm HIV giờ đây không còn bị kỳ thị như trước nữa”.

Cũng là người bị nhiễm HIV, chị Lò Thị Bân ngậm ngùi tâm sự đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Sinh ra và lớn lên ở xã Mai Hịch, nhưng đi làm ăn xa, chị lấy chồng ở tận miền Nam. Sau khi chồng bị nhiễm  HIV và qua đời, anh để lại cho chị một đứa con trai hơn 4 tuổi. May mắn là đứa con trai không bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ. Không chịu được sự kỳ thị của bên nhà chồng, chị lại đưa con về quê ngoại, nơi chị được sinh ra và lớn lên. Và ở quê hương Mai Hịch, chị đã nhận được sự đồng cảm chia sẻ của mọi người. Nói với tôi chị trào nước mắt “ Em vô cùng cảm động và biết ơn các cấp chính quyền và bà con nhân dân đã đùm bọc, cưu mang 2 mẹ con. Nếu không có sự sẽ chia của mọi người, những người đồng cảnh ngộ ở CLB Tự lực hy vọng thì không biết cuộc sống 2 mẹ con sẽ ra sao. Em không mong muốn gì hơn, chỉ mong nuôi con cho thật tốt, để cháu lớn lên làm người tốt, có ích cho xã hội”.

Cũng là một hoàn cảnh khác, Khá bị nhiễm HIV từ khi đang còn học cấp 3. Mặc cảm tội lỗi, bị bạn bè người thân xa lánh, ý nghĩ đó luôn đeo đuổi khiến cậu chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng nhờ sự động viên của các thành viên CLB, nhất là của người cha ruột đã giúp Khá vượt qua mọi mặc cảm để sống tiếp. Nhờ có đầu óc tính toán, Khá đã mua 4 sào ruộng của xóm để trồng rau, và giờ đây đã trở thành mối cung cấp rau xanh, rau sạch lớn cho thị trấn Mai Châu. Nhờ làm ăn kinh tế giỏi mà Khá và bố đã xây được nhà khang trang, sắm sửa nhiều tiện nghi hiện đại phục vụ sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh…Thấy cậu thanh niên trẻ vượt qua mọi mặc cảm làm kinh tế giỏi, bà con dân làng lại càng thêm phần tin yêu. Gần đây, nhờ các chương trình truyền thông về phòng chống HIV/ AIDS về bản làng mà bà con đã hiểu, HIV không dễ lây như mọi người vẫn nghĩ nếu biết cách phòng chống. Nhờ đó cách nhìn của người dân nơi đây với người nhiễm HIV/AIDS đã được thay đổi, kỳ thị giảm dần, thay vào đó là những tình cảm thương mến của mọi người dành cho cậu.

Trước đây, những người nhiễm HIV luôn bị hắt hủi và xa lánh. Ví dụ, nếu trong làng có đám cưới, người nhiễm HIV xuất hiện là mọi người trong đám cưới đều đứng dậy, bỏ đi. Do công tác vận động, tuyên truyền tốt nên những người nhiễm HIV đã hòa nhập với cộng đồng. Trong những lễ hội,đám hiếu, hỷ, những người nhiễm HIV vẫn tham gia giống những người bình thường. Giữa người bệnh và mọi người giờ đây không còn ngăn cách nào. Tại Mai Hịch, hơn một năm trở lại đây, sự kỳ thị với những người có HIV/AIDS đã gần như được xóa nhòa, cộng đồng sống chung hòa thuận và giúp đỡ lẫn nhau xây dựng bản làng ngày một sạch đẹp. Bằng nghị lực và sự cảm thông chia sẻ họ vẫn vươn lên sống đẹp, sống có ích cho đời./.