Trên quan điểm phát triển công nghệ sinh học là xu thế, là động lực quan trọng thúc đẩy mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân; Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phải khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Từng bước đưa công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, là giải pháp ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, lấy doanh nghiệp làm chủ thể, xây dựng cơ chế, chính sách phù họp, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Với mục tiêu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các tiến bộ công nghệ, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030: Tập trung phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học rộng khắp, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Từng bước hình thành, phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc hiện đại hóa công nghệ sản xuất truyền thống, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao và hiệu quả kinh tế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bảo tồn và phát triển các loại dược liệu bản địa và di thực một số loài có giá trị cao đạt tiêu chuẩn làm thuốc để phục vụ cho công nghiệp chế biến dược liệu.
Sản xuất các chế phẩm sinh học để điều trị và phòng bệnh cho người, vật nuôi và dùng trong chế biến thực phẩm, y dược, phục vụ xử lý môi trường. Triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào công nghiệp chế biến, nông lâm thuỷ sản, y dược, sản xuất nhiên liệu sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng và tổ chức sản xuất được một số sản phẩm chủ lực và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hình thành và phát triển một số doanh nghiệp công nghệ sinh học nhằm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, chú trọng đến các sản phẩm khai thác nguồn dược liệu trên cơ sở các bài thuốc cổ truyền.
Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học; phấn đấu đến năm 2030, đưa trình độ công nghệ sinh học của tỉnh đủ năng lực hội nhập trên một số lĩnh vực trong nước.
Đến năm 2045: Tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại, có khả năng ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghệ sinh học phát triển mạnh mẽ. Xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại. Cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ năng lực làm chủ một số công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ đắc lực cho phát triến kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Nội dung chương trình hành động gồm 03 chương trình: Chương trình 1: Nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận trong ứng dụng công nghệ sinh học; Chương trình 02: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi đế các tố chức, doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực các trung tâm, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Chương trình 03: Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành kinh tế - kỹ thuật./.