Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 415 HTX nông nghiệp, tăng 11,14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp ước đạt: hơn 1,3 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận ước đạt 290 triệu đồng/HTX/năm. Số lượng HTX nông nghiệp xếp loại khá, tốt theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT: 156 HTX, chiếm 55,32%. Tổng số thành viên trong các HTX nông nghiệp khoảng 5.549 thành viên (tăng 214 thành viên so với cùng kỳ năm trước). Tổng số lao động làm việc thường xuyên khoảng 6.225 lao động. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp ước đạt 55,2 triệu đồng/người/năm.
Tổng số THT ước đạt: 230 THT; số THT có đăng ký hợp đồng hợp tác với UBND cấp xã là 230 THT. Tổng số thành viên THT khoảng 4.255 thành viên, lao động thường xuyên đều là thành viên THT. Tổng doanh thu ước đạt 35.765 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động trong THT khoảng 2,8 triệu đồng/tháng. Phân loại các loại hình hoạt động của THT đang hoạt động: 60 THT trồng trọt (chiếm 26,32%), 65 THT chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (chiếm 28,51%), 47 THT dùng nước (chiếm 20,61%), 56 THT tổng hợp (chiếm 24,56%).
Các HTX nông nghiệp phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Chủ động thích ứng với hoàn cảnh mới, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành nghề như: chăn nuôi, cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng, thu hoạch và thu mua sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh môi trường, chế biến nông sản. Một số HTX đã tái cơ cấu chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa có giá trị cao như: nuôi gà, nuôi dê, nuôi cá lồng, trồng rau an toàn, trồng dược liệu… Đặc biệt, các HTX giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân - HTX - doanh nghiệp, hình thành một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người; đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo ở khu vực nông thôn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có một số HTX hoạt động liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như: HTX chuối Viba - xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn: sản xuất giống chuối Tiêu Hồng cấy mô không biến đổi gen (Non-GMO), do Viện rau quả Trung ương nghiên cứu sản xuất, trồng theo quy trình trồng VietGAP (số CN 02-17 BNN/VGTT-17-0008); đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Viba (Vietnam banana) với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Liên kết tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị Bắc tôm, Sói biển … HTX 3T nông sản Cao Phong - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong: liên kết 25 hộ thành viên trên diện tích 40 ha, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng các loại thảo mộc (gừng, tỏi, ớt, men rượu…) trong quy trình sản xuất, được chứng nhận Ocop 4 sao với sản phẩm "Cam quà tặng cao cấp 3T farm”. Sản phẩm tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Lotte, các cửa hàng, hệ thống cung cấp thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh khác như (HC fram Thanh Hóa, Sen Hồng food Hà Nội…. HTX nông nghiệp hữu cơ Hải Đăng - xã An Bình, huyện Lạc Thủy: liên kết với 87 thành viên trồng trên 50 phôi nấm, trên 30 vạn con gà, nuôi dê, lợn rừng, nuôi cá và ốc nhồi.
HTX nông nghiệp Mỹ Tân – huyện Lương Sơn: liên kết 37 hộ thành viên với diện tích 130 ha bưởi diễn, ổi, trong đó có 85 ha VietGAP. Tổng sản lượng đạt 2.200 tấn/năm, cung cấp vào hệ thống của hàng, siêu thị lợn tại thành phô Hà Nội (Bắc tôm, Sói Biển, Big C…). HTX Dược liệu Bigfarm - xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc: trồng 08 ha cát sâm, 01 ha đương quy, 02 ha hà thủ ô, 01 ha sâm đại hành, 02 ha thiên môn đông và xen canh nhiều loại cây nông nghiệp khác. Có nhà máy sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm từ vùng dược liệu kể trên. HTX nông trại xanh Gfarm Việt Nam – huyện Lạc thủy: 40 ha, 600 tấn/năm (20 ha VietGAP, 20 ha liên kết sản xuất), liên kết với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu KCF tiêu thụ sản phẩm cam trứng an toàn các loại.
Nhìn chung các tổ chức Kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp đã đóng góp tạo sự liên kết hợp tác sản xuất trong nông nghiệp. Hoạt động của THT, HTX nông nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn, thu hút được nhiều hộ sản xuất tham gia, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân và người lao động trong nông nghiệp, nông thôn./.