DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp

13/11/2023 15:40
Phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là cơ sở để phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Xác định được mục tiêu trên, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề găn với việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn.
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi cá lồng vùng lòng hồ Hòa Bình cho Nhân dân xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2022, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho 5.426 lao động với tổng kinh phí 14.786,605 triệu đồng. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ đào tạo thêm khoảng đào tạo 1.700 lao động nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 4 giảng viên IPHM cấp Quốc gia. Ngành nông nghiệp thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào, tập huấn, hội nghị nhằm nâng cao kiến thức quản lý chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và xúc tiến thương mại nông sản. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn cho 68 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực hiện áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO. Các hộ dân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ được hướng dẫn thực hiện ký cam kết an toàn thực phẩm tại 26 xã đăng ký về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đào tạo, nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đến tháng 8/2023 toàn tỉnh có 398 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 12,75% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thành viên trong các hợp tác xã nông nghiệp là 5.174 thành viên.

Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến nông sản được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng các sản phẩm trên địa bàn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất và chuyển giao cho nông dân. Hàng năm, ngành Nông nghiệp đã tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn cho 3.000 người tham gia tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhiều quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã được ứng dụng, như: Công nghệ sản xuất cây có múi sạch bệnh; ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô; sử dụng thiết bị bay không người lái phòng trừ sâu bệnh hại trên trên cây lúa và cây sắn; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật sản xuất rau trong nhà lưới, nhà màng; ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản sạch và bền vững để hạn chế việc sử dụng các loại hóa chất tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra, tỉnh chủ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai xây dựng các mô hình, dự án khoa học và công nghệ gắn với sinh kế, văn hóa, xã hội, đem lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, tại các vùng có thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã tăng cường áp dụng cơ giới hóa. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất lúa đạt 95%; cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đạt khoảng 60%, tập trung tại các địa phương đã dồn điền, đổi thửa như: Yên Thủy, Lương Sơn, Kim Bôi, Thành phố Hòa Bình. Diện tích cây có múi đã chủ động tưới tiêu đạt trên 90%. Các hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động áp dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả có múi, trên rau có khoảng trên 1.000 ha góp phần giảm công lao động trong sản xuất.

Những kết quả trên cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, năng suất tăng. Tuy nhiên, trong xu hướng xây dựng nền nông nghiệp thông minh, tri thức, bền vững, các cấp, các ngành cần quan tâm xây dựng chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và hỗ trợ học phí cho sinh viên, học viên trong khối ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp; xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu nhân rộng các mô hình thí điểm về ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất gắn chặt chẽ giữa phát triển khoa học- công nghệ với phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.