DetailController

Kinh tế

Chủ động phòng trừ sinh vật gây hại chính trên lúa vụ Mùa 2022

08/09/2022 00:00
Đến nay diện tích gieo cấy lúa Mùa toàn tỉnh là 21.525 ha, trà sớm diện tích khoảng 2.000 ha đang giai đoạn phơi màu - chắc xanh - đỏ đuôi; trà chính vụ diện tích khoảng 18.500 ha giai đoạn trỗ bông - phơi màu, trà muộn và cực muộn giai đoạn ôm đòng - đòng già diện tích khoảng 1.025 ha chiếm khoảng 5% tổng diện tích, đây là giai đoạn cây lúa mẫn cảm với các đối tượng dịch hại như tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn cổ bông,... Với điều kiện thời tiết từ nay đến cuối vụ còn nhiều diễn biến phức tạp, thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh gây hại lây lan thành dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa nếu không phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Hình ảnh thực tế bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên cây lúa

Để đảm bảo thắng lợi sản xuất lúa vụ Mùa 2022, giảm thiểu tác hại do sâu bệnh hại gây ra, ngày 7/9/2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) ban hành Công văn số 302 gửi Phòng NN & PTNT các huyện, phòng Kinh tế TP; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố về việc chủ động phòng trừ sinh vật gây hại chính trên lúa vụ Mùa 2022. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường bám sát địa bàn chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại chính trên cây lúa như sau:

Đối với tập đoàn rầy: Chỉ áp dụng phòng trừ rầy bằng biện pháp hóa học trên những thửa ruộng có mật độ rầy cao trên 2.000 con/m2; phun tập trung tại các ổ rầy, các ruộng nhiễm rầy, không phun thuốc tràn lan cả cánh đồng.

Trường hợp ruộng lúa nhiễm rầy kèm hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng, hay do ngộ độc đất, cần kết hợp phun trừ rầy với việc xử lý vàng lá. Phun thuốc trừ rầy nếu mật độ rầy trên 1.500 con/m2.

Có thể sử dụng một trong các thuốc trừ rầy có tính tiếp xúc như: Nibas 50EC; Bassa 50EC; Mofitox 40EC; Vitagro 50EC...vv, khi phun phải rẽ lúa, lùa vòi phun xuống dưới đảm bảo để thuốc tiếp xúc trực tiếp với nơi rầy cư trú, phun theo khuyến cáo trên bao bì. Nếu phun xong mật độ rầy vẫn còn cao phải phun lại lần 2, cách lần 1 từ 3-5 ngày, những ruộng phun xong gặp mưa cần tiến hành phun lại.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Thời điểm phòng trừ tốt nhất khi sâu tuổi 1-3 từ nay đến 15/9/2022; chỉ phòng trừ khi mật độ sâu > 20 con/m2; có thể sử dụng một trong các thuốc như: Catex 3.6EC, 100WG,Rholam 20EC, 50WP, 68WG, Ninbus 1.8 EC, Silsau 1.8 EC, 3.6 EC, 4 EC,.v.v hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này, phun theo khuyến cáo trên bao bì.

Đối với sâu đục thân bướm 2 chấm lứa 5: Sâu non gây bông bạc cho các trà  lúa trỗ sau 10/9 tỷ lệ bông bạc phổ biến 3-5%, cao 10-30%. Biện pháp phòng trừ: Đối với lúa lúa giai đoạn đòng, trỗ: Tiến hành xử lý khi tỷ lệ dảnh héo, bông bạc 5% hoặc 0,3 ổ trứng/m2. Thời điểm phòng trừ tốt nhất khi sâu tuổi 1-3, sau khi trưởng thành vũ hóa 7-10 ngày. Kết hợp rút dảnh héo, bông bạc, ngắt ổ trứng đem tiêu hủy. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Virtako 40WG; Voliam Targo 063SC; Tango 50SC;  Dupon -Prevathon 5SC;  Radiant 60SC ...v.v hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này, phun theo khuyến cáo trên bao bì.

Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Những ruộng bị bệnh cần giữ đủ nước, không bón đạm hoặc phun phân bón lá có chứa đạm; tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo phun trừ kịp thời bằng một trong các thuốc: Lino Oxto 200WP; Starner 20WP; Norshield  86.2WG; Apolits 20WP, 30WP, 40WP; Aliette 800 WG; Starsuper 10SC, 20SL, 20WP, 21SL, 60WP; Supervery 50WP v.v hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này, phun theo khuyến cáo trên bao bì.

Đối với bệnh khô vằn: Những ruộng bị bệnh cần giữ đủ nước, không bón đạm hoặc phun phân bón lá có chứa đạm; tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo phun trừ kịp thời bằng một trong các thuốc: Anvil 5SC; Validacin 5L; Rovral 50WP, Vida 3SC, Daconil 75WP... hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này. Phun theo hướng dẫn in trên bao bì.

Đối với Bệnh đạo ôn: Những ruộng bị bệnh cần giữ đủ nước, không bón đạm hoặc phun phân bón lá có chứa đạm; tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo phun trừ kịp thời bằng một trong các thuốc: Filia® 525SE; Amistar Top® 325SC; Fuji-One 40EC, 40WP; Beam 75WP; Trizole 20 WP, 75WP, 75WG, 50 SC; Bulny 850WP; Abenix 10SC, v.v. hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ bệnh đạo ôn. Phun theo hướng dẫn in trên bao bì. Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép 2 lần cách nhau 3-5 ngày bằng một trong các thuốc nêu trên. Phun xong (trong vòng 12 giờ) gặp mưa cần tiến hành phun lại; Những ruộng đã bị đạo ôn lá cần phun phòng đạo ôn cổ bông bằng một trong các thuốc nêu trên khi lúa bắt đầu trỗ và khi lúa trỗ đều (sau lần một 5-7 ngày)./.