DetailController

Kinh tế

Chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh

22/07/2022 00:00
Theo báo cáo từ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ đầu năm 2022 tới nay (từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2022): đã có 17 xã, phường có dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), dịch xuất hiện tại 05 huyện, thành phố với tổng số lợn ốm, chết và tiêu hủy: 2.825 con = 113.494 kg. Trong đó: Lợn nái và đực giống đang khai thác: 649 con = 51.563 kg; Lợn con, lợn thịt các loại: 2.176 con = 61.931 kg.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy

Năm 2021, DTLCP cũng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trong tỉnh với tổng số có 47 xã, phường bị dịch; tại 08 huyện, thành phố; với tổng số lợn ốm, chết và tiêu hủy: 6.670 con = 389.933 kg.

Để hỗ trợ thiệt hại do bệnh DTLCP cho người chăn nuôi, năm 2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về việc cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2020. Tổng kinh phí đã hỗ trợ năm 2020 theo báo cáo tại Công văn số 1316/UBND-TCTM ngày 29/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình là 9.890 triệu đồng (Chín tỷ tám trăm chín mươi triệu đồng). Trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, tổng số tiền hỗ trợ là 7,9 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh hỗ trợ 20%, tổng số tiền hỗ trợ là 1,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay Chính phủ chưa bố trí kinh phí hỗ trợ do Dịch tả lợn Châu Phi gây ra. Thiệt hại do bênh Dịch tả lợn Châu Phi của tỉnh Hòa Bình năm 2021 là (6.670 con = 389.933 kg) và 6 tháng đầu năm 2022 là (2.825 con = 113.494 kg).

Hiện Sở NN&PTNT đang trình UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại theo quy định nhằm đảm bảo khôi phục sản xuất cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây ra.

Để chủ động trong phòng, chống DTLCP, người chăn nuôi cần nghiêm túc thực hiện một số biện pháp sau: Tại các cơ sở chăn nuôi và các điểm bán buôn: thường xuyên vệ sinh, sát trùng phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và giết mổ lợn bằng vôi hoặc xóa chất. Đối với những người tham gia chăn nuôi: vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với lợn.  Lập tức cách ly lợn nghi bị bệnh hoặc lợn bị bệnh. Tránh để mầm bệnh phát tán ra bên ngoài bằng cách diệt các sinh vật trung gian truyền bệnh như muỗi, ruồi,...Không mua bán lợn chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ. Đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi./.