Năm nay, lượng mưa bình quân trên toàn tỉnh đạt 1.592 mm thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Mực nước thủy điện Hòa Bình đang ở mức cốt 106m, thấp hơn mực nước trung bình hàng năm hơn 10m. Hầu hết các hồ chứa phục vụ cho sản xuất vụ đông- xuân 2010-2011 cũng thấp hơn từ 1- 2m so với mọi năm. Với thời tiết như này, thì hạn hán nặng trên diện rộng trên toàn tỉnh là khó tránh khỏi.
6.600 ha lúa thiếu nước tưới, vùng cao thiếu nước sinh hoạt
Đến nay, mùa mưa trên địa bàn tỉnh coi như đã kết thúc. Gần 2 tháng nay, trên địa bàn tỉnh hâù như không xuất hiện mưa. Trời luôn khô hanh. Qua theo dõi lượng mưa từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh thì lượng mưa thấp hơn trung bình hàng năm. Có nơi cục bộ mưa ít như: thành phố Hòa Bình chỉ đạt 1.188,9 mm, Lương Sơn 1.325,5mm. Toàn tỉnh có 513 hồ chứa để phục vụ sản xuất vụ đông- xuân 2010-2011, nhưng đến nay đều xuống thấp hơn mực nước hàng năm từ 1- 2 m. Một số hồ có lượng nước xuống rất thấp là Hồ Đồng Gạo, Thống Nhất, Khang Mời (thành phố Hòa Bình), hồ Suối Ong (Lương Sơn)…. Hiện có 20 hồ chứa đang trong tình trạng sửa chữa không thể chứa để phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, năm nay “rốn” hạn Yên Thủy lại có mưa nhiều hơn các địa phương khác với tổng lượng mưa trên 1.800 mm, nên một số hồ ở huyện cũng đã tích tương đối đủ nước.
Theo đánh giá của các huyện thì khả năng đảm bảo nước tưới gieo cấy cho vụ đông- xuân là rất khó khăn. Có khoảng 6.600 ha lúa bị hạn sau khi cấy và trên 2.000 ha không có nước để làm đất và phải chuyển sang trồng cây cạn. Theo đó, huyện Lạc Sơn có diện tích hạn nhiều nhất với khoảng 1.600 ha, Kim Bôi 1.100 ha, Lương Sơn 1.000 ha…Ngoài ra, khoảng 30.000 ha cây màu vụ đông thiếu nguồn nước cung cấp. Trong mùa khô năm nay, nhiều xã vùng cao có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Giữ nước và sử dụng tiết kiệm nguồn nước
Ông Trần Kim Phàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: trước nguy cơ hạn hán đang đến gần, vừa qua, Sở NN&PTNT đã triển khai kiểm tra, đánh giá và kiểm kê nguồn nước trên địa bàn các huyện, thành phố, đặc biệt là các hồ chứa nước. Đồng thời chỉ đạo các xã quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, trước mắt cần phải tập trung các biện pháp giữ nước, sử dụng nước sản xuất tiết kiệm. Các hồ chứa đang sửa chữa cần đẩy nhanh tiến độ thi công và có biện pháp đảo bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng hưởng lợi. Các địa phương cần cơ cấu cây trồng và thời vụ vụ đông- xuân hợp lý, đảm bảo có nước tưới suốt vụ. Không để xảy ra khô hạn làm giảm năng suất cây trồng. Trường hợp không đảm bảo nước tưới hoặc không đủ nước làm đất cần có phương án chuyển đổi sang trồng cây cạn sử dụng ít nước không để hoang đất. Hỗ trợ kinh phí mua giống cho diện tích chuyển đổi. Sửa chữa các cống, bai, đập trạm bơm tưới, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm dã chiến, dầu, guồng để chủ động cung cấp nước khi hạn xảy ra. Triển khai chiến dịch toàn dân làm thủy lợi. Sở NN&PTNT cũng đề nghị Tổng cục thủy lợi báo cáo Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí 16 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương triển khai các biện pháp chống hạn.