Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương, cơ chế lan truyền từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp bị nhiễm qua vết cắn, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như chăm sóc súc vật bị dại, chế biến thực phẩm từ súc vật bị dại… 100% số người hay động vật bị bệnh dại đều dẫn đến cái chết với những biểu hiện triệu chứng thảm khốc ở các thể co thắt, liệt, cuồng. Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị nhiễm vi rút dại là điều trị dự phòng bằng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, cào sước, liếm trên da bị thương, bệnh nhân rửa vết thương tức thì bằng xà phòng, thoa chất sát khuẩn và kịp thời đến tham vấn bác sĩ để được điều trị đầy đủ. Giải pháp khống chế bệnh dại hiệu quả nhất là đáp ứng tốt việc tiêm vắc xin phòng dại tế bào cho người và động vật; tăng nhận thức của cộng đồng về bệnh dại và các biện pháp phòng chống, kiểm soát có hiệu quả; Thực hiện các chương trình kiểm soát số lượng đàn chó, tiêm phòng dại cho đàn chó và loại trừ bệnh; Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát bệnh dại đạt chất lượng cao.
Theo báo cáo trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2.060 người đi tiêm phòng và điều trị phơi nhiễm với bệnh dại, 3 trường hợp tử vong do bệnh dại gồm 1 trường hợp ở thành phố Hòa Bình và 2 trường hợp ở huyện Yên Thủy. Qua thực tế cho thấy, trong năm 2014 đã giảm nhiều cả về số lượng điều trị và trường hợp tử vong do bệnh dại so với năm trước. Cũng theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh trong năm 2014 toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng mạnh với 103.989/131.780 con chó mèo, đạt 78,9% tổng đàn, cao hơn so với năm 2013 là 46,12%. Để đạt được những kết quả này là do có sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các ngành, chính quyền các cấp trong công tác phòng bệnh dại.
Nhằm chủ động và phát huy hơn nữa công tác phòng, chống, đồng thời ngăn ngừa, khống chế dịch bệnh dại, hạn chế thấp nhất số người bị tử vong do bệnh dại và thiệt hại về kinh tế cho người dân. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại trên đàn vật nuôi. Trên cơ sở đó, Sở đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết về tính nguy hiểm của bệnh dại và chủ động trong việc phòng bệnh; thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó mèo chính là phòng bệnh dại cho con người; vận động nhân dân ký cam kết thực hiện khi nuôi chó, mèo bắt buộc phải tiêm phòng bệnh dại, nuôi chó phải xích, nhốt, không thả rông.
Đồng thời, các địa phương cần chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã tuyên truyền, vận động những người bị chó cắn cần phải được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại các trung tâm y tế, cơ sở y tế gần nhất; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức, điều tra, xử lý kịp thời ổ dịch khi có dịch dại xảy ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các trạm thú y các huyện, thành phố trên cơ sở kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2015 của địa phương; chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch với UBND các huyện, thành phố để tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo năm 2015 đảm bảo an toàn, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố kiên quyết xử lý những trường hợp không chấp hành công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo; triển khai thực hiện công tác tiêm phòng bệnh dại cần tiêm triệt để 100% chó mèo trong diện tiêm; thực hiện tốt việc tiêm phòng bổ sung, tiêm phòng lại đối với những nơi chưa đạt yêu cầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn nhằm ngăn ngừa, khống chế có hiệu quả không để dịch xảy ra, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.