DetailController

Khoa học - Môi trường

Chủ động kiểm soát nguy cơ bệnh vàng lá lúa trong vụ mùa

08/07/2011 00:00
Hiện tượng vàng lá sinh lý trên cây lúa thường xuất hiện phổ biến trong vụ xuân hơn vụ mùa. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay sẽ có khác biệt đáng kể, diện tích bị vàng lá sẽ tăng cao. Đó là cảnh báo mới đây được đưa ra bởi Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh.
Cán bộ Chi cục BVTV hướng dẫn nông dân xã Tân Vinh (Lương Sơn) cách ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng vàng lá trên diện tích lúa hè thu cấy sớm.

 

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật: Nhìn chung trong sản xuất vụ mùa, những diện tích cấy trước ngày 25/7 thường cho năng suất cao nhất do nguồn năng lượng ánh sáng, nhiệt độ phù hợp với thời điểm cây lúa làm đòng – trỗ chín. Chính vì thế, thời vụ gieo cấy vụ mùa không nên để quá muộn. Tuy nhiên đối với vụ mùa năm nay, việc đảm bảo khung thời vụ như trên là rất khó vì trước đó, tiến độ gieo cấy và thu hoạch vụ chiêm - xuân đã muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Do tiến độ làm mùa cấp bách, thời gian quá ngắn nên tàn dư của vụ trước không kịp phân hủy hết trước khi cấy vụ mới. Những tàn dư này bị vùi sâu dưới bùn, các vi sinh vật tiếp tục phân giải chúng trong điều kiện yếm khí, do đó sẽ sản sinh ra nhiều loại khí độc như H2S, NH3... Những chất khí này gây độc cho bộ rễ lúa, khiến cây không hút được dinh dưỡng, bộ lá nhanh chóng bị vàng đi. Hiện tượng vàng lá này xảy ra phổ biến từ khi lúa đẻ nhánh rộ, cao điểm khi lúa đứng cái, bắt đầu phân hóa đòng. Nếu phát hiện và xử lý sớm, cây sẽ nhanh chóng phục hồi. Nhưng nếu để muộn, ruộng lúa sẽ khô xác đi, ít bông, bông nhỏ và lép nhiều, ảnh hưởng mạnh đến năng suất và sản lượng lúa.
 
Dự báo nguy cơ cao bệnh vàng lá trên lúa vụ mùa năm nay, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân chủ động triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa và kịp thời xử lý bệnh. Cụ thể, nên cày bừa ngay sau khi gặt, vùi toàn bộ rơm rạ xuống bùn, sau đó bón lót sớm phân chuồng (hoặc phân hữu cơ), vôi, lân ngay từ lúc làm đất để thúc đẩy quá trình phân rải chất hữu cơ. Nên làm cỏ sục bùn và bón thúc sớm ngay khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh. Đặc biệt, nếu ruộng xuất hiện bệnh, cần áp dụng biện pháp: Tạm dừng bón phân đạm (NPK, DAP hoặc urê). Tháo nước ra cho khô ruộng (nứt chân chim). Rải vôi bột (200 kg/ha). Thay nước mới vào ruộng. Sử dụng phân bón lá có hàm lượng lân cao và có những chất vi lượng như Bo, Mo, Fe, Mn... Vài ngày sau (3-5 ngày), quan sát rễ lúa, nếu có rễ trắng đâm ra là lúa đã phục hồi, có thể bón phân bình thường./.