Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh đã được gieo cấy khoảng hơn 90% diện tích, trong đó lúa trà sớm đang đẻ nhánh rộ; chính vụ bắt đầu đẻ nhánh; trà muộn cấy đang hồi xanh. Diện tích ngô đã trồng 6.427 ha; lạc 1.477 ha; mía 5.623 ha…Theo báo cáo của các địa phương, qua kiểm tra trên đồng ruộng đã thấy xuất hiện tập đoàn rầy mật độ phổ biến 10-30 con/m2, cao 80-100 con/m2 tại huyện Kỳ Sơn, rầy chủ yếu trưởng thành; ốc bươu vàng hại tăng trên lúa mới cấy; mật độ phổ biến 1-3 con/m2, cao 10-12 con/m2 tại huyện Lạc Thủy và Lương Sơn; ốc non, ốc trưởng thành. Ngoài ra chúng còn tồn tại khá nhiều tại các mương dẫn nước, ao, hồ chứa nước, mật độ phổ biến 3-5 con/m2, có nơi 30-50 con/m2 tại huyện Lương Sơn. Ngoài ra, dòi đục nõn tỷ lệ hại phổ biến 0,5-1% số dảnh, cao 3-5% số dảnh tại các huyện Kỳ Sơn, Mai Châu và TP Hòa Bình, sâu tuổi 2-4. Sâu đục thân tỷ lệ hại phổ biến 0,1-0,3% số dảnh, sâu tuổi 4,5- nhộng, có nơi sâu tuổi 1-2 ở huyện Kim Bôi. Chuột hại cục bộ tỷ lệ hại 1-3% số dảnh; châu chấu mật độ 3-7 con/m2 ở huyện Mai Châu, châu chấu tuổi 2-4; bọ trĩ mật độ phổ biến 50-100 con/m2, bọ trĩ non và trưởng thành; bệnh nghẹt rễ, bọ xít đen hại nhẹ.
Bên cạnh đó, các đối tượng gây hại khác gây hại trên các loại rau màu cũng đã xuất hiện như bọ nhảy mật độ phổ biến 5-10 con/m2, bọ trưởng thành; sâu xanh mật độ phổ biến 1-3 con/m2, sâu tuổi 3-5. Sâu khoang mật độ phổ biến 0,3-0,5 con/m2, cao 3-5 con/m2 tại TP Hòa Bình, sâu tuổi 2-4; sâu tơ mật độ phổ biến 3-5 con/m2, sâu tuổi 3-5; rệp tỷ lệ hại phổ biến 4-7% số cây. Bệnh thối nhũn tỷ lệ hại 1-3% số cây, bệnh cấp 1-3; bệnh lở cổ rễ hại tỷ lệ hại 3-5% số cây ở huyện Yên Thủy, bệnh cấp 1-3. Rệp tỷ lệ hại 2-3% số cây ở huyện Tân Lạc. Bọ dưa, bọ nhảy, bệnh sương mai, bệnh phấn trắng hại nhẹ. Đối với cây cà chua bệnh héo xanh, héo vàng, bệnh sương mai, bệnh xoăn lá, rệp, sâu đục quả hại nhẹ. Cây rau họ đậu đỗ đang bị sâu đục quả, bệnh sương mai, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt hại nhẹ. Cây mía rệp sáp, rệp xơ trắng gây hại tỷ lệ hại phổ biến 1-5% số lá, số cây. Sâu đục thân tỷ lệ hại phổ biến 0,2-0,5% số cây, cục bộ từng ruộng 4-8% số cây tại huyện Đà Bắc, sâu 4,5- nhộng, có nơi sâu tuổi 1-2 ở Tân Lạc, Cao Phong; bệnh thối gốc tỷ lệ hại 0,5-1% số gốc bệnh cấp 1-3.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương thời gian tới trời nhiều mây có mưa nhỏ, mưa phùn rải rác, đêm và sáng sớm có nhiều sương và sương mù, đây là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan và gây hại. Đặc biệt các vùng ổ bệnh cũ, giống nhiễm (Nếp, CR203, DT10, BC15, Khang dân,...). Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ tập đoàn rầy, bọ trĩ vì sẽ tiếp tục tăng mật độ và diện phân bố trên lúa trà sớm và chính vụ, giai đoạn đẻ nhánh rộ. Ốc bươu vàng tiếp tục xuất hiện, tăng mật độ, hại mạnh trên lúa mới cấy, những nơi ruộng thấp, nơi nguồn nước có sẵn ốc bươu vàng. Sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ hại rải rác trên các trà lúa và mạ xuân trà muộn. Bệnh nghẹt rễ, bệnh đốm nâu tiếp tục xuất hiện, gây hại trên những chân ruộng chua, ruộng thiếu lân. Dòi đục nõn hại tăng trên các trà lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh rộ, vùng ổ cũ. Chuột hại tăng dần trên lúa giai đoạn đẻ nhánh. Ngoài ra chúng còn hại trên các cây trồng cạn. Đối với các cây trồng cạn sâu xám, hại tăng trên ngô xuân vùng đất bãi, vùng thuần màu, hại nặng gây mất khoảng. Sâu cắn lá nõn, bệnh đốm lá,... tiếp tục xuất hiện, gây hại trên ngô xuân trà sớm và chính vụ, giai đoạn cây con – phát triển thân lá. Bọ nhảy, rệp, sâu khoang, sâu xanh, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn,... tiếp tục gây hại trên rau họ thập tự. Bệnh lở cổ rễ, bệnh sương mai tiếp tục xuất hiện, hại tăng trên rau đông xuân và rau xuân hè, giai đoạn vườn ươm - cây con. Trên mía: Sâu đục thân, rệp xơ trắng hại tăng trên cuối vụ và mía lưu gốc. Bọ hung, mối tăng mật độ và diện phân bố trên mía lưu gốc và mía mới trồng gây mất khoảng, mất mầm. Dòi đục nụ, đục hoa xuất hiện, hại tăng trên các vườn cam quýt ra hoa. Bệnh sẹo loét, nhện, sâu vẽ bùa, bướm phượng, rệp sáp,... tiếp tục gây hại trên các vùng trồng cam quýt. Nhện lông nhung, sâu đục gân lá, sâu đục cành tiếp tục hại trên các vườn trồng nhãn, vải. Bọ xít xuất hiện, gây hại trên nhãn, vải giai đoạn ra nụ, hoa. Bệnh sương mai xuất hiện, hại tăng trên nhãn, vải. Bệnh lở cổ rễ, bọ trĩ, dòi đục thân, đục lá, bọ bầu vàng, bệnh sương mai, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư hại tăng trên các vùng trồng dưa hấu, bí xanh, giai đoạn cây con - ngả ngọn.
Trước tình hình này, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghịcác địa phương cần khuyến cáo nông dân khẩn trương gieo cấy trà xuân muộn. Đồng thời thu hoạch nhanh gọn các cây rau màu vụ đông, giải phóng đất trồng cây trồng cạn đúng lịch thời vụ. Tranh thủ khi thời tiết ấm, đẩy mạnh chăm sóc, bón phân sớm, đầy đủ, cân đối cho diện tích lúa đã cấy để lúa đẻ nhánh tốt, tăng khả năng chống chịu. Tiếp tục quản lý chặt chẽ các nguồn nước, hồ chứa nước để có đủ nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2013. Bên cạnh đó, các Trạm BVTV các huyện, thành phố cần nắm bắt chắc diện tích và cơ cấu giống lúa, tỷ lệ lúa lai, đặc biệt chú ý phân loại tỷ lệ các giống nhiễm rầy; Theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy di trú trên lúa mới cấy, đặc biệt những vùng đã xuất hiện bệnh lùn sọc đen ở vụ trước. Chú ý theo dõi sát mật độ, tỷ lệ và diện phân bố của sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn trên lúa. Tập trung các biện pháp diệt trừ ốc bươu vàng cả trong giai đoạn làm đất và ngay sau khi cấy. Theo dõi sự xuất hiện, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh chính trên rau màu vụ xuân, cây ăn quả và các cây trồng cạn khác. Chỉ đạo phòng trừ kịp thời những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao. Đặt bẫy bả nhử bắt trưởng thành sâu xám, sâu khoang trên cây màu vụ xuân. Đẩy mạnh phong trào diệt trừ chuột tại các địa phương, Trên diện tích lúa nước, tập trung sử dụng biện pháp đặt bẫy cơ giới (bẫy kẹp, bẫy lồng,...), bả sinh học hay hoá học có độ an toàn cao để diệt trừ chuột.