DetailController

Chỉ đạo điều hành

Chủ động các biện pháp ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh

16/07/2024 17:05
Ngày 16/7/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1147/UBND-KTN về chủ động các biện pháp ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, trong những ngày tới mưa lớn vẫn tiếp diễn trên địa bàn tỉnh. Một số địa phương đã xảy ra tình trạng sạt lở, lũ trên các sông suối và ngập úng cục bộ, gây ảnh hưởng đến cơ sở, hạ tầng và người dân. Để tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai hạn chế đến mức thấp nhất cho nhà nước và nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:

Các đồng chí Trưởng đoàn và thành viên Đoàn công tác phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh được phân công phụ trách địa bàn các huyện, thành phố (theo Quyết định số 106/QĐ-BCH ngày 06/7/2023 của Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Phòng thủ dân sự) chủ động nắm bắt tình hình thiên tai, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo địa phương được giao phụ trách trong công tác ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của mưa lũ; thực hiện báo cáo theo quy định.

Tiếp tục triển khai Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 13/4/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Công văn số 1954 /SNN-TL ngày 14/7/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Công điện số 4978/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 13/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Các địa phương tăng cường các lực lượng, đặc biệt lực lượng xung kích tại cơ sở rà soát, kịp thời phát hiện, sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực đã xảy ra sạt lở và có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn; khắc phục các hư hỏng, sạt lở đã xảy ra đảm bảo đời sống người dân.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng các lực lượng để triển khai ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.

Sở Giao thông vận tải: Bố trí máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực ở những vị trí trọng yếu, vị trí đã xảy ra sạt lở thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất; chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Các Sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ và các tình huống bất thường gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ". Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện phương án ứng phó và khắc phục thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hòa Bình tiếp tục phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình mưa lũ để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh./.