DetailController

Quốc phòng - An ninh

Chính sách phát triển phương tiện giao thông vận tải góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

29/09/2011 00:00
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh quản lý 8.658 xe ô tô các loại và trên 800 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động. Trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng không theo kịp với tốc độ phát triển của phương tiện, nhiều tuyến đường bộ, bến xe, bến cảng đã xuống cấp; do đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1119/QĐ-UB về quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải đến năm 2020.

Cùng với đó, công tác quản lý các phương tiện giao thông cũng được chú trọng nhằm hạn chế các phương tiện tham gia giao thông. Đối với phương tiện giao thông đường bộ hàng năm cơ quan QLNN đã tiến hành kiểm định với trên 5.000 phương tiện đến đăng kiểm, qua đó những phương tiện không đạt tiêu chuẩn do hết niên hạn sử dụng được thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương để phối hợp quản lý theo Nghị định 23/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng của ô tô tải và ô tô chở người.

            Hơn nữa, thực hiện Nghị quyết số 32/2007.NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh ký cam kết không lưu hành sử dụng các loại xe này và đã loại bỏ được 1.193 xe công nông tự chế và 18 xe ba bánh; đồng thời hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ khi mua mới phương tiện khác thay thế loại phương tiện bị cấm lưu hành theo quy định. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 570 chủ phương tiện với mức hỗ trợ mua mới là 9 triệu đồng/phương tiện.

            Các cơ quan chức năng cũng tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh theo quy định thông qua các hoạt động thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho các tổ chức, cá nhân; quản lý, cấp phù hiệu biển hiệu cho các phương tiện vận tải khách đủ điều kiện kinh doanh vận tải; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện theo đúng lộ trình.

            Đối với phương tiện thủy nội địa, đã có 536/576 phương tiện thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm đã được đăng ký, đạt tỷ lệ 93%. Số phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm do kinh tế của các chủ phương tiện còn khó khăn, không có khả năng sửa chữa theo đúng tiêu chuẩn hoặc thay thế bằng các phương tiện khác; nhiều phương tiện được đóng theo hình thức thủ công, không có thiết kế nên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đăng ký, đăng kiểm.

            Để tiếp tục thực hiện chính sách phát triển phương tiện giao thông vận tải đáp ứng với yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này được xác định tập trung vào các nhiệm vụ chính: 1- Xã hội hóa trong lĩnh vực kinh doanh vận tải theo hướng phát triển đầy đủ các loại hình kinh doanh vận tải; 2- Khuyến khích mở mới các tuyến vận tải thủy, vận tải bộ đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; 3- Đẩy mạnh phát triển loại hình phương tiện vận tải khách công cộng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân, lưu thông hàng hóa, từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; 4- Thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm để kịp thời loại bỏ các phương tiện hết niên hạn, các phương tiện thuộc diện cấm lưu hành và phương tiện vận tải cũ nát không đảm bảo an toàn.