DetailController

Văn hóa

Chiêng Mường đang đứng trước nhiều thử thách

10/10/2011 00:00
Chiêng Mường vẫn “sống” trong đời sống của cộng đồng dân tộc Mường. Chỉ có điều, gìn giữ và phát huy nhạc khí, vật thiêng này của người Mường vẫn còn nhiều điều chưa được thống nhất.
Chiêng Mường đc trưng bày trong bảo tàng Hòa Bình

Năm 2010, Sở VHTTDL xác định hiện trên toàn tỉnh có 9.960 chiếc chiêng thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Đấy là một con số đáng mừng cho vật thiêng, nhạc khí này.

Hơn thế, Chiêng Mường vẫn được sử dụng trong nhiều hoạt động cộng đồng, trong đời sống hằng ngày của người dân nơi đây như Lễ hội, cưới hỏi, khánh thành nhà cửa và thậm chí là khai trương… sàn chứng khoán.

Dù vậy, Chiêng Mường đang đứng trước nhiều thử thách đáng lo. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì Chiêng Chót – mang âm cao của người Mường trước đây thường dùng trong các buổi săn bắn không còn tính năng sử dụng này.

Hiện tượng trình diễn hay đưa Chiêng Mường lên sân khấu hóa là một thực tế đầy nguy cơ mà nhà nghiên cứu Trương Văn Sơn thẳng thắn nhìn nhận là không nên. Đấy là chưa nói, trước đây Chiêng Mường là vật thiêng mà dường như gia đình người Mường nào cũng phải có.

Thậm chí, người ta còn đổi trâu, bán bò để đúc hay mua Chiêng Mường. Nhưng gần đây thói quen này đang mai một trông thấy. Rất hiếm có gia đình người Mường nào hiện nay có đủ bộ chiêng 12 chiếc.

Bên cạnh đó, tên gọi Chiêng Mường hay Cồng chiêng Mường vẫn đem đến những băn khoăn. TS Quách Văn Ạch cho biết, người Mường trước đây thường chỉ gọi Chiêng chứ không gọi là Cồng hay Cồng chiêng.  

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng cũng khẳng định: “Trong dân gian Mường, người ta gọi nhạc cụ hình tròn có núm là Chiêng, rất ít khi gọi là Cồng. Chỉ khi giao tiếp với người Kinh hoặc có sử dụng các từ Việt – Mường mới dùng từ Cồng.”

Thực tế, việc xác định nhạc cụ có núm là Cồng và không có núm là Chiêng cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong giới nghiên cứu. Lẽ đó, tập tục của người Mường đã gọi là Chiêng và chỉ gọi là Cồng Chiêng khi có sự giao thoa với văn hóa người Kinh hay khi phải dùng Việt ngữ thì nên chăng cũng nên thống nhất gọi Chiêng Mường cho phải nhẽ.

Đấy là chưa nói, trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản này, đã có những lệch lạc đáng tiếc. Đã có thời, người ta sưu tầm Chiêng Mường theo lối xác định 1 bộ Chiêng gồm 12 chiếc có âm thanh chuẩn xác theo 12 âm tương tự hệ âm bình quân luật của phương Tây. Nhưng trong thực tế, người Mường không có chút ý niệm nào về “lên dây” (chỉnh cao độ). Thậm chí, người ta có thể đổi Chiêng sau mỗi lần diễn tấu để diễn tấu lại chính bài chiêng đó.

Ngoài ra Danh hiệu Kiệt tác văn hóa phi vật thể truyền khẩu của Nhân loại mà UNESCO đã vinh danh Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên ít nhiều đã ảnh hưởng đến Chiêng Mường. Đã có những nhìn nhận lệch lạc khi cố áp Chiêng Mường với giá trị văn hóa của Cồng chiêng Tây Nguyên, có những dàn dựng không hợp lẽ với Chiêng Mường…

Nhà nghiên cứu Kiều Trung Sơn – Viện Nghiên cứu văn hóa khẳng định: “Chiêng Mường hoàn toàn xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu không kém gì Cồng chiêng Tây Nguyên, không phải vì nó có gì hao hao giống với Cồng chiêng Tây Nguyên mà ngược lại, nó có cái mà Cồng chiêng Tây Nguyên không thể có được”.