Người mở lối làm ăn mới cho người dân địa phương, chính là chàng thanh niên trẻ Đinh Văn Long, ở độ tuổi 31. Long quê ở Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhiều năm buôn bán rau quả ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. Khi được hỏi, duyên cớ gì mà lại bỏ phố, lên rừng để làm giàu, Long kể lại: Cũng là tình cờ, em gặp mấy bác cán bộ xã xuống núi, tìm cách tiêu thụ nông sản cho bà con. Họ giới thiệu ở vùng cao Lũng Vân đất đai màu mỡ nhưng còn hoang hoá nhiều, người dân đang lúng túng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; rồi vận động em bỏ vốn đầu tư trồng rau sạch, có khi lãi hơn đi buôn. Nghe bùi tai, em lên thung lũng mây khảo sát một chuyến, được xã tạo điều kiện thuê lại hơn 3 ha đất của ông Trần Lệ với giá 33 triệu đồng/năm, em đồng ý luôn.
Dồn hết vốn liếng gần 300 triệu đồng sau bao năm tích cóp, tháng 9/2009 Long đưa vợ con lên núi quyết chí lập nghiệp. Long thuê gần hai chục lao động người địa phương với giá 40.000 đồng/ngày công và nuôi cơm bữa trưa. Vất vả nhất là hướng dẫn bà con canh tác đúng kỹ thuật, làm việc theo tác phong công nghiệp, không tuỳ hứng như xưa. Xác định thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao thích hợp với cây su su, Long đầu tư trồng su su lấy quả, su su lấy ngọn làm chủ lực, ngoài ra dành một phần diện tích đất trồng su haò, bắp cải, cải thảo và đậu đỗ. Đất không phụ công người gieo hạt, chăm bẵm, 1 ha trồng su su ở đây cho năng xuất cao từ 70- 80 tấn quả, năm cho thu hoach 2 lứa. Đinh Văn Long cho biết: Giá cả rau quả rất bấp bênh, lúc được giá su su bán từ 3000- 5000 đồng/kg, lúc giá hạ đổ buôn ở chợ đầu mối chỉ được từ 1200- 1300 đồng/kg. Tuy vậy, sau một năm đầu tư, vất vả một nắng hai sương, vợ chồng Long đã thu về 120 triệu đồng tiền bán rau quả. Long bảo, năm đầu tiên không có lãi bao nhiêu, vì đầu tư làm giàn cây leo khá tốn kém, nhưng vài năm sau thu nhập sẽ khá hơn.