Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phạm Hồng Quân, qua kết quả rà soát, đánh giá thực trạng kinh tế xã hội vào cuối năm 2010 cũng như dựa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì Cao Phong không có xã nào đạt từ 7 đến 9 tiêu chí trở lên; duy chỉ có 2 xã là Nam Phong và Dũng Phong đạt 5 đến 6 tiêu chí, còn lại 10 xã dạt dưới 5 tiêu chí.
Như vậy có thể nói rằng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Để khắc phục tình trạng này, huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã luôn quan tâm tập trung xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể cho việc tổ chức thực hiện trên cơ sở bám sát các tiêu chí để hướng dẫn đôn đốc các xã từng bước phấn đấu bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, huyện cũng tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú như phát thanh, truyền hình, loa đài và đồng thời lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới trong các buổi họp thôn, xóm để người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới; phát động phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”. Do đó, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng với những hoạt động thiết thực như hiến đất làm đường giao thông; hỗ trợ nhau làm kinh tế; đóng góp công sức, nguyên, vật liệu xây dựng đường giao thông, xây dựng hệ thống công trình thủy lợi; tự đầu tư chỉnh trang nhà ở và khu dân cư.
Ngoài việc vận động và tuyên truyền đến với nhân dân về xây dựng nông thôn mới, Cao Phong cũng đã thực hiện tốt việc huy động và lồng ghép các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện đã chủ động huy động nguồn vốn và lồng ghép cho xây dựng NTM được hơn 150 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp từ dân gần 79 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 12/12 xã có quyết định phê duyệt quy hoạch, 9/12 xã có quyết định phê duyệt chi tiết. Trên địa bàn huyện đã có hơn 17 km đường trục xã được bê tông hoá, nhựa hoá đạt chuẩn; 97% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 84% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá và 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng. Trong ba năm huyện đã huy động được hơn 3,8 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân sản xuất và xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng cây có múi, nuôi lợn rừng, cải tạo đàn trâu, bò địa phương, mô hình rau an toàn, mô hình dệt thổ cẩm, hỗ trợ phát triển kinh tế rừng...Trong đó, mô hình nuôi lợn rừng ở xã Dũng Phong đã và đang phát triển tốt, ngoài cung cấp sản phẩm thịt có giá trị ra thị trường thì mô hình này còn góp phần đáp ứng nhu cầu lợn giống thuần cho nhân dân địa phương. Ngoài ra, mô hình trồng cây có múi ở xã Dũng Phong cũng đang sinh trưởng, cho hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cao Phong vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vai trò ban chỉ đạo cấp xã còn hạn chế; ban phát triển thôn, ban giám sát thôn chưa chủ động hoạt động. Bên cạnh đó, một số địa phương còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; các thành viên ban chỉ đạo huyện chưa thường xuyên bám sát địa bàn để có giả pháp giúp đỡ cơ sở giải quyết những khó khăn, vướng mắc; chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy cơ sở; chưa có cơ chế chính sách cụ thể thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa có nội dung cụ thể; chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức chính trị, đoàn thể cơ sở trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, cơ chế phối hợp giữa các ngành, tổ chức, đoàn thể chưa rõ ràng, cụ thể nên chưa gắn được trách nhiệm để cùng thực hiện; nguồn vốn huy động từ dân còn cao ở một số lĩnh vực như xây dựng đường giao thông, đường nội đồng, nhà văn hóa các xóm...
Theo ông Phạm Hồng Quân, nhằm khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, huyện Cao Phong sẽ tiếp tục huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể ở địa phương với phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới; phân công rõ ràng từng thành viên ban chỉ đạo, ban quản lý là cơ sở để phát huy tính năng động, sáng tạo cũng như trách nhiệm của người với từng công việc cụ thể; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới để có sức lan tỏa cao dễ hiện thực hóa trong đời sống nhân dân; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và các nơi tham gia vào xây dựng nông thôn mới; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức đào tạo nghề cho nông dân; chủ động lồng ghép các chương trình, dự án nhằm tăng hiệu quả các chương trình đầu tư; tập trung phát triển các loại cây trồng có lợi thế. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp phải chú trong bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước...trên cơ sở khai thác tốt các điều kiện tự nhiên, tránh sử dụng các loại phân bón hóa học chất gây ô nhiễm môi trường nhằm hình thành một nền kinh tế nông nghiệp xanh, sạch và phát triển bền vững. Hàng năm lập kế hoạch nhu cầu về vốn phát triển sản xuất mức và nguồn hỗ trợ để thực hiện phát triển sản xuất, trên cơ sở tận dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, ngân sách T.Ư kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn của huyện và huy động nhân dân tự đầu tư để phát triển sản xuất theo hướng đầu tư mở rộng; xúc tiến việc hình thành các loại hình hợp tác xã để nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất.
Ngoài ra, tập trung xây dựng và nâng cấp mạng lưới giao thông liên xóm, liên thôn, liên xã; đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là nước sinh hoạt nông thôn; nâng cấp mạng lưới điện hạ thế, xây dựng các điểm bưu điện văn hóa, trạm y tế xã, mạng lưới y tế thôn bản. Chú trọng đầu tư để tăng cường hệ thống thủy lợi một cách đồng bộ, bên cạnh đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương sẵn có nhằm đáp ứng tưới tiêu tập trung và ưu tiên đầu tư các hồ chứa nước nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hạn hán kéo dài. Tập trung đầu tư một cách đồng bộ hệ thống khu trung tâm các xã theo mức độ chuẩn hóa, phát triển toàn diện, đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ cả sản xuất, đời sống, cả về kinh tế, xã hội, an ninh chính trị và môi trường; hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất phát triển mang lại hiệu quả cao; xác định nhu cầu cần thiết cho từng loại hình đầu tư để đầu tư có trọng điểm. Trong đó trước mắt tập trung đầu tư năng cấp các trung tâm xã, trạm y tế xã, trường học; hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, mỗi năm phấn đấu đầu tư bình quân khoảng 60 tỷ đồng; lựa chọn tiêu chí phù hợp với khả năng, nguồn lực của địa phương và lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn để lập kế hoạch phấn đấu hoàn thành cho từng năm, từng giai đoạn...