DetailController

Kinh tế

Cao Phong đang tích cực triển khai thực hiện Đề án "Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021-2025”

27/05/2022 00:00
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Phong có gần 2.000 ha cây ăn quả có múi (chiếm 30% toàn bộ diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình), sản lượng niên vụ 2021-2022 ước đạt hơn 22.000 tấn. Để tiếp tục phát triển cây ăn quả có múi, huyện Cao Phong đang tích cực triển khai thực hiện Đề án "Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021-2025”.
Thực hiện tái canh cây ăn quả có múi nhằm phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm tại huyện Cao Phong

Hiện nay, nông dân huyện Cao Phong đang thâm canh các giống cam có chất lượng tốt như: Cam CS1, cam Marrs (cam BH), cam canh, cam V2... Giá trị thu nhập trong sản xuất cây ăn quả có múi bình quân đạt 300-350 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao thu nhập, giúp người nông dân làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, quá trình tăng diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi đã nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của sản phẩm này. Cụ thể, do sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc hóa học bảo vệ thực vật... khiến nhiều diện tích đất chai cứng, mất kết cấu. Thêm vào đó, quá trình tăng nóng diện tích trong thời gian ngắn khiến một số diện tích sử dụng cây giống không bảo đảm chất lượng, nhiễm dịch hại nguy hiểm gây suy tàn, nhanh thoái hóa vườn cây.

Mặt khác, Cao Phong chưa có nhà máy chế biến, chợ đầu mối nông sản hay các điểm tập kết sản phẩm quy mô lớn có đầy đủ trang thiết bị phục vụ sơ chế, đóng gói; nguồn nước tưới không đáp ứng được toàn bộ diện tích; chưa gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất và bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi giá trị nên sản phẩm dễ bị tác động bởi thị trường... Theo ông Vương Đắc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, để phát triển bền vững cây ăn quả có múi, thời gian tới, cần tập trung khắc phục dứt điểm những tồn tại về thương hiệu, nhãn mác sản phẩm... Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng đất bị thoái hóa, chai cứng, mất kết cấu, hệ vi sinh vật nghèo nàn; ngăn chặn việc sử dụng nguồn giống kém chất lượng.../.