DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Cần chung tay giúp đỡ trẻ em khuyết tật

13/06/2010 00:00

Hiện nay, toàn tỉnh có 820 trẻ em bị khuyết tật, tàn tật, tăng 190 trẻ so với năm 2008. Qua khảo sát thực tế cho thấy, chủ yếu các em đang sống trong các gia đình nghèo, điều kiện chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh còn rất nhiều hạn chế. Để giúp trẻ em khuyết tật cải thiện điều kiện sống, hoà nhập vươn lên cùng xã hội thì rất cần sự chung tay chia sẻ, giúp đỡ của cả cộng đồng.

Hơn 10 năm qua, cơ thể Mạnh lúc nào cũng lên gân, cứng đờ, đau đớn

 

10 năm nay, người phụ nữ ấy chưa bao giờ có một đêm ngủ ngon. Vật lộn bế đứa con trai bị tàn tật đang khóc ngằn ngặt trên tay, chị nghẹ ngào kể về những năm tháng cùng con trai chống chọi với bệnh tật. Nước mắt hoà cùng mồ hôi trên khuôn mặt xương gầy, khắc khổ. Chị là Bùi Thị Định - mẹ cháu Bùi Văn Mạnhỉơ xóm Trung Hoa 2, xã Phú Lai, huyện Yên Thuỷ. Mạnh sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng được 6 tháng tuổi thì em bị sốt cao, tiếp đến là co rút tứ chi. Cầm cố ruộng vườn, bán trâu, vay mượn ngân hàng, hai vợ chồng tất tả ôm con đi hết từ bệnh viện này đến bệnh viện khác với chút hi vọng mong manh. Của cải cứ đội nón ra đi sau mỗi lần anh chị phải đưa con đi cấp cứu. Giờ đây, trong căn nhà dột nát, chỉ còn bộ bàn ghế nhựa cũ kĩ ngồi uống nước là có giá trị nhất nhưng xót xa hơn cả là bệnh tình của Mạnh không thuyên giảm. Các bác sĩ kết luận em bị bại não dẫn đến chân tay co rút, không cử động được, người em lúc nào cũng trong trạng thái lên gân, cứng đờ. Em không thể nằm xuống giường được, đặt em nằm là em khóc thét vì đau đớn. Vì thế mà suốt 10 năm nay, đêm nào em cũng phải nằm lên người mẹ mới ngủ được. Trong vòng tay mẹ, Mạnh khô gầy, gân guốc như một gốc cây rừng với những nhánh rễ khẳng khiu. Em không thể tự ngồi được, không nói được. Đã lên 10 tuổi nhưng cuộc sống của em ngày qua ngày vẫn quằn quại trên bàn tay bế ẵm của cha mẹ. Vì tình trạng bệnh của em éo le như vậy nên hàng ngày hai vợ chồng chị đều phải cắt cử một người ở nhà bế con, chỉ có một người đi làm. Vật vã với cái nghèo để kiếm miếng cơm qua ngày, nợ nần chồng chất, anh chị không dám nghĩ đến việc đưa con đi viện nữa. Ánh mắt mệt mỏi, thẫn thờ của người mẹ, ghì chặt đứa con trong vòng tay cứ bám riết lấy chúng tôi khi rời căn nhà nhỏ khuất trong bãi ngô xanh ngắt.
 
Rời Yên Thuỷ, theo đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chúng tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Ngọc Kiên ở phố Tân Sơn, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn. 14 tuổi nhưng em đã có 11 năm ngồi xe lăn. Sau một trận sốt cao năm lên 3 tuổi, em bị liệt, từ đó xương sống, xương cổ không phát triển. Cuộc đời Kiên giờ gắn chặt với chiếc xe lăn. Mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh…đều phải do cha mẹ phục vụ. Ngồi xe lăn mãi thấy mỏi thì em lại ú ớ ra hiệu cho bố mẹ bế em lên giường nằm. Cuộc sống, tương lai của em chỉ quẩn quanh trong mấy mét vuông căn nhà nhỏ. Nhà Kiên ở cạnh đường, cứ chiều chiều, mẹ lại đẩy xe cho em ra ngõ ngồi chơi, nhìn các bạn ríu rít giờ tan trường. Trên khuôn mặt thẫn thờ của em khẽ ứa ra giọt nước mắt. Không nói được, trí tuệ không phát triển bình thường. Nhưng thẳm sâu trong tâm trí, Kiên vẫn là một đứa trẻ với khát khao được đi học, được vui chơi cùng bạn bè, khát khao khám phá cuộc sống đang diễn ra sôi động ngoài kia. Đau đớn thay khi chiếc xe lăn đã níu chặt đời em và đẩy những ước mơ ngày càng xa tầm tay với của cậu bé tội nghiệp.
 
Hơn 800 trăm trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh ta là hơn 800 trăm mảnh đời đau thương, bất hạnh với những nỗi khốn khổ khác nhau. Nhưng chắc chắn, vượt lên những đớn đau, mỗi mầm sống vẫn mang trong mình khát khao được vươn lên xanh tốt, đơm hoa kết trái. Những đứa trẻ khuyết tật như những cây non gãy cành cần lắm bàn tay chăm bón, nâng niu, chở che đầy yêu thương của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. 
 
 
CTTĐT