DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Cải cách hành chính trong quản lý đất đai

30/07/2012 00:00
Quản lý đất đai là lĩnh vực gắn liền với thu hút đầu tư. Công tác quản lý tốt, thủ tục không rườm rà, quy hoạch sử dụng đất hợp lý sẽ tạo thuận lợi việc thu hút các dự án. Vì vậy, giảm bớt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này đang được đẩy mạnh.

Theo quy hoạch thì tỉnh Hòa Bình có trên 1600 ha đất dành cho việc xây dựng 8 khu, cụm công nghiệp đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt. Song quỹ đất sạch tức là đất đã giải phóng mặt bằng dành cho dự án thì hầu như không có. Theo quy định mới của chính phủ thì các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được giảm nhẹ. Sau khi DN đề nghị xin giao đất hoặc thuê đất tại sở Tài nguyên và Môi trường 7 ngày, DN sẽ nhận được câu trả lời có được giao đất hoặc thuê đất hay không, 5 ngày sau khi hoàn tất hồ sơ, DN có thể được bàn giao mặt bằng. Bộ phận 1 cửa sẽ là nơi tiếp nhận và giải quyết các thủ tục.

Cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đang cần một khâu đột phá. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Sở Tài nguyên & Môi trường đã thực hiện tiếp nhận gần 100 hồ sơ, trong đó có gần 40 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, 3 hồ sơ cấp giấy phép khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước, 17 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 33 hồ sơ xin cấp phép môi trường. Sở Tài nguyên & Môi trường đã thực hiện các giải pháp cải cách cách hành chính, Công khai các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí, mẫu hóa đơn các giấy tờ, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, công dân, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, thực hiện rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, tạo thuận lợi cho các tổ chức và công dân, khi các thủ tục hành chính được đơn giản hóa thì mới tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Ông Trần Đức Thắng - PGĐ Sở TN&MT cho rằng : Việc cải cách thủ tục hành chính đầu tiên chính là việc cắt giảm các thủ tục không cần thiết, quy trình thực hiện khoa học, theo quy định về lĩnh vực quản lý đất đai. Điều quan trọng nữa đó chính là yếu tố con người nhìn dưới góc độ năng lực chuyên môn, trách nhiệm với công việc, tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Bên cạnh việc khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai thì trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành chưa đồng bộ, một số nơi sử dụng đất lãng phí, thị trường bất động sản không ổn định. Vì vậy yêu cầu đặt ra bức thiết là cần sớm khắc phục hạn chế, yếu kém, đáp ứng tốt yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm, đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài.