Nhìn chung, tốc độ phát triển tổ hợp tác trong từng thời kỳ có sự tăng, giảm số lượng một cách đột biến. Theo thống kê, có thời điểm tỉnh có tới 2.000 tổ hợp tác. Nguyên nhân do tổ hợp tác phát triển tự phát. Sau 20 năm phát triển, đến nay các tổ hợp tác đã cơ bản hoàn thiện cơ chế tổ chức và quản lý, khắc phục khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tích cực hỗ trợ tổ hợp tác về tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất, khoa học công nghệ, hạ tầng cơ sở, đăng ký thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài những sản phẩm truyền thống như: Chăn nuôi gà, dê, cá lòng hồ, trồng cầy có múi, trồng rau hữu cơ, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre; các tổ hợp tác còn phát triển các sản phẩm khác như: Chổi chít, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ, chế tác đá, đồ gỗ, đồ gốm sứ.
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, các tổ hợp tác không chỉ là nơi đào tạo nghề mà còn giải quyết việc làm cho các đối tượng phù hợp. Nhiều tổ hợp tác đã hoạt động hiệu quả, vừa đem lại thu nhập cho người dân, tiêu biểu như tổ hợp tác: “Tiểu thủ Công nghiệp” chuyên sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng mây tre đan, may gia công, may công nghiệp huyện Lương Sơn; mô hình nuôi gà đồi huyện Lạc Sơn, nuôi cá trên lòng hồ Sông Đà, trồng rau sạch huyện Lạc Thủy, nuôi trâu bò huyện Đà Bắc.
Từ việc phát triển đa dạng các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các tổ hợp tác đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa quy mô sản xuất mang tính tự phát, manh mún, đậm yếu tố truyền thống sang phát triển theo hướng hàng hóa, ưu tiên các loại sản phẩm đặc trưng có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường./.