DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt trên địa bàn tỉnh

13/03/2024 15:18
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hòa Bình định hướng phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn phát thải các bon thấp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm trồng trọt chủ lực. Phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa nông sản gắn với chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu. Phát triển trồng trọt thông qua liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi.
Theo Chiến lược trồng trọt, cây ăn quả có múi tiếp tục được duy trì ổn định diện tích khoảng 14 ngàn ha, phát triển diện tích tại các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy...

Theo đó, tỉnh ta xác định 02 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện gồm có:

Một là, hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt lợi thế từng vùng, địa phương theo 03 nhóm sản phẩm

         Đối với  nhóm sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm chủ lực quốc gia:

         Cây lúa: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, ổn định trên 28 ngàn ha đất trồng lúa trong đó bảo vệ nghiêm ngặt 18.756 ha đất chuyên trồng lúa nước; diện tích gieo trồng từ 33-35 ngàn ha, sản lượng đạt 18-19 vạn tấn /năm, đảm bảo an ninh lương thực, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và một phần cung cấp cho thị trường bên ngoài. Nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng các giống lúa có chất lượng cao trong tổng diện tích gieo trồng lúa lên trên 80%; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận lên trên 90%. 50 - 60% diện tích lúa thâm canh tập trung được ứng dụng công nghệ cao tại: Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy và Yên Thủy. Đồng bộ cơ giới hóa từ làm đất đến thu hoạch. Phục tráng, duy trì các giống lúa bản địa có ưu thế, phát triển sản xuất gạo hữu cơ ở các vùng sinh thái phù hợp; bảo tồn di sản văn hóa lúa gạo, tăng cường chứng nhận sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lúa gạo, các vùng sản xuất lúa đặc trưng của mỗi địa phương.

         Cây ngô: Ổn định diện tích trồng với diện tích vùng ngô hàng hóa tập trung khoảng 20 – 22 ngàn ha/năm tập trung tại: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Thủy. Khuyến khích trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, ngô thực phẩm phục vụ thị trường ăn tươi, chế biến. Tận dụng diện tích đất bãi ven sông, đất trồng lúa kém hiệu quả, mở rộng diện tích ngô trong sản xuất vụ đông.

         Cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi): Phát triển và duy trì ổn định diện tích khoảng 14 ngàn ha, sản lượng khoảng 21-22 vạn tấn/năm. Trong đó chú trọng phát triển diện tích cam tại Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi; diện tích bưởi đỏ, bưởi diễn tại Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn. Quy mô ứng dụng công nghệ cao đạt 6 - 7 ngàn ha. Tập trung tái canh trên diện tích già cỗi, hết chu kỳ khai thác trên nguyên tắc tổ chức lại sản xuất ở vùng tái canh; bố trí cơ cấu nhóm giống phù hợp với yêu cầu dải vụ và nhu cầu thị trường; nâng cao năng lực tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên về cây có múi; phát triển vùng sản xuất an toàn, được cấp mã số vùng trồng; nâng cao tỷ lệ sản phẩm qua sơ chế, chế biến, tăng cường áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường có yêu cầu cao, nâng cao giá trị gia tăng, giá trị thu nhập.

         Cây chè: Phát triển ổn định và duy trì diện tích tập trung khoảng 1,0 - 1,2 ngàn ha. Trong đó, tập trung duy trì diện tích và trồng bổ sung, thay thế bằng các giống chè mới ở các vùng trồng chè truyền thống (Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy); ổn định diện tích giống chè Shan tuyết ở địa bàn vùng cao (Đà Bắc, Mai Châu); mở rộng diện tích chè được chứng nhận an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt, hữu cơ; tăng cường năng lực, đổi mới công nghệ sơ chế, chế biến, , đa dạng hóa sản phẩm; ưu tiên chế biến chè xanh chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước, chế biến chè đen đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.

         Cây rau: Ổn định diện tích gieo trồng khoảng 12 ngàn ha, sản lượng trên 250 ngàn tấn/năm. Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, đa dạng hóa chủng loại với từng nhóm rau (rau ăn lá, rau ăn quả, củ...) tập trung tại các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, TP Hòa Bình. 60 - 70% diện tích canh tác được đầu tư áp dụng công nghệ cao; được áp dụng quy trình sản xuất tốt, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

         Cây sắn: Duy trì ổn định khoảng 7-8 ngàn ha. Đẩy mạnh áp dụng các giống sắn mới năng suất, hàm lượng tinh bột cao, chống chịu sâu bệnh đặc biệt các loại bệnh mới như bệnh khảm lá sắn, bệnh chổi rồng; xây dựng, áp dụng đồng bộ quy trình canh tác bền vững; áp dụng cơ giới hóa, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Ổn định vùng nguyên liệu tại Lạc Sơn, Yên Thủy, Tân Lạc cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, chế biến thức ăn chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

         Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh

         Cây mía: Duy trì ổn định khoảng 8 ngàn ha, trong đó có khoảng 6,0 - 6,5 ngàn ha mía ăn tươi tập trung tại Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy. Củng cố, ổn định vùng sản xuất mía nguyên liệu tại Yên Thủy, Lạc Sơn theo hình thức liên kết chặt với các nhà máy mía đường. Phát triển nhanh diện tích trồng mía bằng giống nuôi cấy mô; phát triển các hình thức sơ chế, chế biến mía ăn tươi tạo sản phẩm đa dạng phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

         Cây dược liệu: Phát triển khoảng 8,6 ngàn ha, trong đó có khoảng 1,8 ngàn ha cây dược liệu trồng dưới tán rừng. Ưu tiên phát triển các loài: cà gai leo, sa nhân, hà thủ ô, đương quy, giảo cổ lam, xạ đen, ba kích, huyết đẳng, linh chi, khôi nhung, gừng, nghệ và các dược liệu khác. Tăng cường chứng nhận nhãn hiệu chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm; tận dụng tốt quỹ đất vườn, gò đồi, bưa bãi để phát triển thành các vùng sản xuất tập trung.

         Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền.

         Tiếp tục triển khai, hoàn thiện xây dựng vùng trồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó: Cây ăn quả ôn đới (hồng, mận, đào); các sản phẩm rau, củ bản địa tập trung cho địa bàn vùng cao, kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cải tạo, khôi phục, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng công nghệ chế biến để đa dạng hóa sản phẩm dạng sấy khô, sấy dẻo, mứt... phù hợp nhu cầu thị trường. Cây ăn quả nhiệt đới (na, thanh long, chuối, dứa...) tập trung phát triển ở địa bàn vùng thấp; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với sơ chế, chế biến, có thị trường tiêu thụ ổn định.

         Hai là, tổ chức nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, đảm bảo phát triển bền vững: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo quy hoạch và dựa trên kết quả Đề án xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và phân hạng thích nghi đất sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của thị trường; phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

         Tiếp tục công tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu một cách hiệu quả; bảo tồn và phát triển giống bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, gắn với vùng vùng sinh thái, sở hữu trí tuệ. Xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh giống đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng phục vụ sản xuất đại trà trên toàn tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống theo hướng công nghiệp, hiện đại; tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

         Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thảo mộc... Xây dựng, phát triển các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự tính, dự báo sinh vật gây hại cây trồng; kiểm soát tổn thất sau thu hoạch; bảo vệ sức khỏe đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái.

         Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên; kiểm soát mức độ suy thoái đất, duy trì bảo vệ độ phì đất, tối ưu hoá các mục đích sử dụng đất nông nghiệp; bảo đảm an ninh và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tạo nguồn, tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ nông nghiệp.

         Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tích hợp các khu, cum công nghiệp sẵn có và trong quy hoạch để kêu gọi đầu tư, xây dựng dựng khu dịch vụ, hậu cần, logistics hỗ trợ tích cực cho các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại hàng nông sản. Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; đặc biệt ưu tiên đối với các công nghệ tiên tiến, công nghệ bảo quản lạnh, công nghệ thân thiện với môi trường và phù hợp đặc điểm từng ngành hàng. Hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới hiện đại, gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao. Phát triển các hình thức tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp.

         Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản chiến lược quốc gia. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đủ nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến. Thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ tại các địa phương, vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, tạo điều kiện hình thành động lực tăng trưởng cho các địa phương.

          Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới./.