DetailController

Tin từ các đơn vị

Các nhiệm vụ trọng tâm công tác gia đình trong năm 2022

22/02/2022 00:00
Ngày 14/02/2022, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-BCĐGĐ Thực hiện công tác gia đình tỉnh Hòa Bình năm 2022.
Tuyên truyền thông qua Giao lưu tọa đàm xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và mọi người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác gia đình; tập trung chỉ đạo xây dựng các Chương trình, Đề án, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh, nhằm mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, đề cao những giá trị nhân văn, văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình gắn với phát triển con người, nhằm hạn chế thấp nhất các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của công tác gia đình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu đề ra trong năm 2022, phấn đấu đấu 80% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hoá tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số. Phấn đấu 80% các gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại; 80% các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở; 80% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã; 80% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc. Phấn đấu 90% số vụ bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.

Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung trong Kế hoạch phải phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, địa phương, đơn vị, đảm bảo thiết thưc, hiệu quả, tiết kiệm; lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác gia đình với các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đơn vị; đồng thời, có sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc, tồn tại./.