Hiện nay, Nhà nước đã có một số chính sách đối với nhân viên ngành y tế. Ngoài chế độ bảo hiểm cho các bệnh nghề nghiệp, một số nghề, công việc trong ngành Y tế được phân loại là các nghề đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm và nặng nhọc - độc hại - nguy hiểm. Sau đây là một số bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm trong ngành Y tế:
Bệnh lao nghề nghiệp:
Nguyên nhân bệnh: do phải làm việc trong môi trường có tiếp xúc với trực khuẩn lao người như tiếp xúc với bệnh nhân, công việc trong các phòng thí nghiệm vi khuẩn ở các bệnh viện lao, công việc lấy bệnh phẩm như đờm, máu, phân, tiếp xúc với chất thải hoặc đồ đạc bị nhiễm bệnh. Nhiễm khuẩn có thể qua đường hô hấp, qua da, niêm mạc.
Biểu hiện của bệnh: thường có dấu hiệu sốt về chiều, ra nhiều mồ hôi, chán ăn, sút cân kéo dài, sức lực suy giảm. Đối với lao phổi có các biểu hiện ho, ho khan hoặc có đờm, ho ra máu, đau ngực, khó thở. Lao khớp biểu hiện khớp biến dạng, hạn chế vận động. Lao hạch có biểu hiện hạch sưng to, viêm loét, có bã đậu. Ngoài ra còn có các dấu hiệu cận lâm sàng.
Cách phòng - chống: tránh lây truyền lao từ người nọ sang người kia. Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong khi làm việc. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân. Nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh phải được khám sức khỏe định kỳ.
Bệnh viêm gan virút nghề nghiệp:
Nguyên nhân bệnh: Người lao động phải tiếp xúc nghề nghiệp với bệnh nhân viêm gan do virut, bệnh phẩm máu và các vật phẩm ô nhiễm virut.
Hội chứng của bệnh: Hội chứng giả cúm bao gồm mệt mỏi toàn thân, sốt nhẹ, đau mỏi khớp, đau mình. Hội chứng tiêu hóa bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy. Hội chứng tắc mật bao gồm vàng da, vàng niêm mạc mắt rõ rệt, nước tiểu vàng sẫm, phân nhạt. Các triệu chứng khác như gan to, ấn tức vùng gan.
Cách dự phòng: tiêm vắc xin tạo miễn dịch chủ động. Cách ly nguồn bệnh, các chất bài tiết, quần áo, dụng cụ ăn phải được tẩy uế. Nhân viên y tế phải mặc quần áo bảo vệ, rửa tay sạch sẽ, mang găng tay khi khám bệnh, lấy máu hoặc sử dụng các dụng cụ có thể bị nhiễm bẩn.