Với mô hình tổ chức đặc thù, cách thức “Giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” và phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, giai đoạn 2003 -2022 vốn tín dụng chính sách đã giải ngân trên 11.564 tỷ đồng với 644 nghìn lượt khách hàng. Từ đó, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên khắp các thôn xóm trong tỉnh nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh và tiết kiệm được thời gian, chi phí, tăng thêm thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quy mô tín dụng ngày càng lớn, chất lượng tín dụng được nâng lên. Khi bắt đầu triển khai năm 2003, tỉnh có 2 chương trình tín dụng, tổng dư nợ 206 tỷ đồng, nợ quá hạn trên 5.500 triệu đồng, chiếm 2,69%. Đến nay, tỉnh đã và đang thực hiện 22 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đến 31/8/2022 đạt trên 4.074 tỷ đồng, tăng gần 20 lần. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 16,6%, nợ quá hạn trên 3,2 tỷ đồng, chiếm 0,08% tổng dư nợ, giảm 2,61% so với thời điểm bắt đầu, với trên 121 nghìn khách hàng vay vốn.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 116 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm trên 32 ngàn lao động. Tỉnh đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng 21 nghìn nhà ở hộ nghèo; xây dựng, nâng cấp trên 182 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; giúp gần 1,1 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài và trên 36 nghìn học sinh sinh viên trang trải chi phí học tập, giúp học sinh sinh viên mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến. Cùng với đó, tỉnh thực hiện cho vay mua, xây mới, sửa chữa 474 căn nhà ở xã hội; hỗ trợ trên 11 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có vốn sản xuất, kinh doanh; giúp 11 cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn để trả lương cho 538 người lao động; hỗ trợ 13 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay vốn phục hồi sản xuất do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện, kết quả đạt được có thể khẳng định: Các chương trình tín dụng chính sách xã hội được người dân đón nhận, đồng tình ủng hộ và thực sự đi vào cuộc sống. Mô hình tổ chức, phương thức cho vay có ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội rất phù hợp với điều kiện chính trị nước ta, thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc hệ thống chính trị, giữ vững An ninh quốc phòng tại địa phương.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội. Trong đó đặc biệt quan tâm chuyển vốn ủy thác ngân sách địa phương sang Ngân hàng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách tín dụng, tăng cường kiểm tra giám sát, phát huy vai trò phản biện xã hội. Các Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội và chính quyền địa phương chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng ủy thác cho vay, Tổ Tiết kiệm và vay vốn./.