Theo chân các cán bộ của Tổ chức phi Chính phủ GRET (Đức), dự các lớp tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, các câu chuyện về hệ lụy của những quan niệm ấu trĩ đó khiến không ít người bàng hoàng như: Đốt nhà, nhốt vợ, dạy con đánh vợ…
Đã từ lâu, người dân xã Dũng Phong, huyện Cao Phong không biết thế nào là hội họp đông đúc để nghe tuyên truyền. Khi nghe tin có lớp học về phòng chống bạo lực gia đình cho cả vợ, chồng, lại còn được nhận kinh phí, họ lũ lượt đến nhà văn hóa xã ngồi bệt xuống dưới nền đất để lắng nghe với nhiều ngơ ngác.
Vừa nghe “cô giáo” giảng về Luật Hôn nhân & Gia đình, ở dưới, các bà, các chị tỏ ra hoang mang. Tới khi đoạn clip chiếu về một cảnh bạo hành gia đình, bất ngờ từ phía dưới có những tiếng khóc rấm rứt. Chị Đinh Thị L. (ở xóm 3) nức nở kể: Chuyện bị đánh, cấm ăn cơm với chị là hàng ngày. Bố chồng, bố đẻ chị cũng thường xuyên đánh mẹ chồng, mẹ đẻ như vậy nên không ai bênh, cũng chả ai coi đó là chuyện quan trọng.
Chị Nguyễn Kim H. ngậm ngùi: Con dâu chị vừa mới bỏ chồng và con nhỏ đi Hà Nội vì không chịu được cảnh bị chồng đánh đập. Chị can con trai thì bị chồng đánh. Chị khuyên con dâu, đàn ông người ta có quyền đánh, mình là phận đàn bà, nên phải nhẫn nhịn nhưng con dâu chị không nghe và dứt khoát bỏ đi. Chị H rầu rĩ, khi đánh vợ, con trai chị thường mắng vợ là hỗn vì ông nội và bố vẫn đánh vợ mà vợ vẫn nhất nhất nghe lời.
Chị L. còn kể câu chuyện của hàng xóm. Chồng đi bồ bịch với cô khác, khi có con, bắt vợ lên chăm sóc nhưng vợ không nghe nên đốt nhà. Từ đó, chị tự nhận là mình vẫn còn sung sướng.
Trả lời câu hỏi sao không báo chính quyền, chị H. thật thà: “Cả xã bao nhiêu gia đình chị vậy, cán bộ xã cũng có họ hàng, sao giải quyết được. Với lại, từ bao năm nay, đàn ông ở đây được quyền như vậy, mà xấu chàng hổ ai nên cứ nhịn cho xong”.
Một cán bộ xã Dùng Phong cho biết: “Bà con phần đông không có điện nên không biết gì về luật pháp. Bên cạnh đó, gia đình xấu hổ nên không dám kể ra, giấu giếm nên bạo lực gia đình ngày càng tăng. Thậm chí đã có hiện tượng cha dạy con, dạy cháu “đánh” vợ để thể hiện quyền uy”.
Theo mẹ đến cuộc họp, bé Đinh Anh Dũng hồn nhiên: “Bố đánh mẹ nhiều mà, bác Hùng (hàng xóm) cũng thế. Sau này cháu lớn cũng đánh vợ thôi”.
Dự buổi giao ban của UBND xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình về nội dung “Phòng chống bạo lực gia đình”, thật khó tin khi nghe những hậu quả của việc thiếu hiểu biết về thông tin văn hóa – xã hội gây nên. Có tới gần 20 đứa trẻ bỏ nhà đi, nhiều trẻ sống trong hoang mang, sợ hãi, cũng rất nhiều trẻ sống với tâm lý vợ là của mình, khi lấy vợ sẽ được “toàn quyền” đánh, mắng, chửi, dọa nạt. Đó là hậu quả của tâm lý cho rằng, chồng là người có quyền với vợ của mình, những người vợ luôn câm nín, chịu đựng.
Câu chuyện của chị Triệu Kim X đã chém chồng bởi bị đè nén quá nhiều chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tâm lý coi là của mình, toàn quyền và tâm lý coi vợ là của mình, toàn quyền ứng xử của người đàn ông. Sau khi chồng say rượu về châm lửa đốt nhà, ôm con về nhà bố mẹ thì bị cha chửi, chị X đã cùng đường nên phải dùng dao chém chồng gây thương tích phải nhập viện.
Ông Bùi Tiến Quý – Trưởng thôn Rậm, xã Thống Nhất kể về câu chuyện ông đã ba lần vận động một người đàn ông bỏ vợ sống với người khác. Rõ ràng là vi phạm pháp luật nhưng người vợ vẫn cam chịu và không tố cáo chồng, chị còn cho rằng “năm thê bảy thiếp” là quyền của đàn ông. Chỉ tiếc, chị không nghĩ được cho những đứa con đi học bị chế giễu, rồi ngay cả người vợ hờ kia cũng không biết bảo vệ quyền lợi của mình, cam chịu làm vợ bé mà vẫn còn bị đánh đập.
Bà Hoàng Thị Hoa – cán bộ dự án của Tổ chức GRET cho hay, không chỉ ở miền núi, vùng cao mà ngay cả ở đô thị cũng có những phụ nữ cam chịu, chấp nhận để chồng bạo hành thể xác và tinh thần nhưng một thứ “đặc quyền” của đàn ông.