Đến ngày 8/5/ trên địa bàn huyện Tân lạc có 190 con ốm có dấu hiệu bệnh tai xanh và 55 con chết vì bệnh. Trong đó xã Mãn Đức chết 29 con, xã Thanh Hối chết 20 con và thị trấn Mường Khến chết 6 con. Trước tình hình này, ngày 11/5, UBND tỉnh công bố dịch lợn tai xanh tại địa bàn huyện Tân Lạc.
Mầm bệnh từ nhập lợn giống
Thực hiện kế hoạch của trạm KNKL huyện Tân Lạc về việc xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi năm 2010, ngày 16/4/2010 trạm đã mua và vận chuyển 30 con lợn cái giống Móng Cái sau cai sữa từ Hợp tác xã giống gia súc gia cầm Tăng Tiến huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. 30 con lợn này được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật ra ngoài tỉnh số 14310/Cn-KDDVNT ngày 15/4/2010 do Chi cục thú y tỉnh Bắc Giang cấp. Số lượng lợn này cũng được tiêm vacsxin Lở mồm long móng, dịch tả lô, tai xanh vào ngày 1/3/2010 và 8/3/2010. Ngay sau khi được vận chuyển về Tân Lạc, trạm đã phân bổ luôn về cho 3 xã (xã Thanh Hối 11 con, xã Mãn Đức 10 con và thị trấn Mường Khến 9 con). Ông Trần Tuấn Thanh- trạm trưởng trạm thú y huyện Tân Lạc cho biết: Ngay sau khi phân bổ về các xã lợn xuất hiện những triệu chứng: bỏ ăn, ho, khó thở, lợn sốt da tím đỏ… và lây lan sang đàn lợn địa phương. Chi cục Thú y tỉnh đã gửi 6 mẫu bệnh phẩm về Trung tâm chuẩn đoán thú y trung ương và kết luận dương tính với bệnh tai xanh. Qua trao đổi phân tích giữa trạm Thú y huyện và trạm KNKL cho thấy, việc nhập lợn giống từ tỉnh ngoài vào địa bàn huyện không thông qua cơ quan kiểm dịch là trạm Thú y huyện Tân Lạc và không nuôi cách ly theo quy định 15 ngày khi nhập lợn.
Chị Nguyễn Thị Hồng- cán bộ khuyến nông xã Mãn Đức cho biết: Nhà tôi nhận được lợn của mô hình. Ngay sau khi nhận lợn đã phát hiện có lợn bị ho, đến ngày hôm sau lợn ốm bỏ ăn, ho, khó thở, lợn sốt da tím đỏ… mặc dù đã được tiêm các loại thuốc kháng sinh kết hợp với các loại thuốc bổ trợ sức nhưng không thấy khỏi. Con lợn mô hình của gia đình đã chết và làm lây nhiễm ốm 32 con lợn của gia đình. Cũng tại xã Mãn Đức, 10 con lợn mô hình đều mắc bệnh và lây nhiễm làm lợn địa phương bị ốm và chết 29 con, 75 con có triệu chứng suy nhược. Tại xã Thanh Hối 11 con lợn của mô hình bị ốm chết làm lây lan sang đàn lợn địa phương. Hiện này đã chết 20 con và 63 con bị ốm. Tại thị trấn Mường Khến đã có 6 con chết và 52 con bị ốm. Qua kiểm tra thực tế của trạm Thú y huyện Tân Lạc và trạm KNKL khẳng định tại 3 xã trên trước ngày 15/4/2010 không xảy ra hiện tượng ốm chết. Chỉ sau khi trạm KNKL mua lợn giống mới xảy ra dịch bệnh.
Triển khai nhanh các biện pháp phòng dịch
Ông Nguyễn Công Gừng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Sau khi phát hiện bệnh ở lợn, ngành Thú ý đã khẩn trương khoanh vùng ổ dịch tại 3 xã, thành lập 3 chốt kiểm dịch tại vùng dịch, thành lập ban chống dịch tại các xã. Kiểm soát gia súc ra, vào vùng bệnh tiêu hủy những con ốm, phun thuốc sát trùng tiêu độc chuồng trại 2 ngày/ lần tại vùng bệnh. Cấm giết mổ, mua bán gia súc tại vùng dịch. Tại các vùng đệm có bệnh xử lý như vùng đã có bệnh. Vùng chưa có dịch chỉ đạo quản lý chặt chẽ dịch từ thôn bản, xử lý môi trường. Cử cán bộ thú y huyện trực tiếp chỉ huy, kiểm soát chốt ra vào trong vùng bệnh. Tuyên truyền vận động bà con trong cộng đồng khi có bệnh không được vứt thịt lợn bệnh. Khi có dấu hiệu của bệnh báo ngay với thú y cơ sở.