DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Bộ Y tế trả lời kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

25/04/2022 00:00
Sau Kỳ họp thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri như sau:

1. Cử tri kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác ngoại giao Vaccine, kêu gọi các doanh nghiệp, Nhân dân và kiều bào nước ngoài ủng hộ cho Quý Vaccine, chỉ đạo khẩn trương việc sản xuất Vaccine trong nước và chuyển giao công nghệ sản xuất Vaccine từ các nước tiên tiến trên thế giới để sản xuất sớm nhất để các loại Vaccine tiêm đủ cho người dân tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất

Trả lời:

Tại Văn bản số 11150 /BYT-VPB1 ngày 31/12/2021 Bộ Y tế trả lời như sau:

(1) Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, Bộ Y tế đã xác định được tầm quan trọng của vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế và đã báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do các điều kiện mua bán vắc xin mà các nhà sản xuất vắc xin đưa ra có nhiều vướng mắc so với pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã chủ động báo cáo Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý để thúc đẩy việc đàm phán, mua bán vắc xin với các nhà sản xuất trong trường hợp cấp bách . Ngày 26/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, trong đó “Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên" với số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ Y tế đã chủ động, tiếp cận sớm các nguồn vắc xin trên thế giới, công tác ngoại giao vắc xin được triển khai khẩn trương, quyết liệt toàn diện ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao, qua các kênh song phương và đa phương, dưới mọi hình thức từ trao đổi trực tiếp, tổ chức các cuộc họp, điện đàm và gửi thư tới các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, các hãng vắc xin và bước đầu đạt được kết quả cụ thể, thiết thực .

(2) Ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ Công tác về ngoại giao vắc xin, qua đó tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp những giữa các Bộ, ngành góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động vắc xin nhằm đưa nhiều nhất và nhanh nhất số lượng vắc xin về nước để tiêm chủng cho nhân dân.

(3) Thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục bám sát, đôn đốc các nhà sản xuất, cung ứng, nhất là đối với các hợp đồng đã được ký kết để đẩy nhanh tiến độ bàn giao vắc xin về Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất; hỗ trợ tích cực công tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để sớm chủ động nguồn vắc xin; thông qua đó tăng lượng vắc xin sẵn có, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiêm chủng đầy đủ để kiểm soát tốt dịch bệnh. Tiếp tục trao đổi, đàm phàn để tiếp cận các nguồn vắc xin phòng COVID-19 tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để bảo đảm sự miễn dịch trong cộng đồng. 2. Sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Nhằm tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 trong nước, từng bước chủ động nguồn cung ứng vắc xin, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban ngành, địa phương và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, cụ thể: Ngày 28/7/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH5 trong đó quy định: “Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất”.

- Ngày 06/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP trong đó giao Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan “Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử nghiệm lâm sàng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bảo đảm công bằng trong chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết”.

- Ngày 19/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BYT quy định về đăng ký lưu hành vắc xin phòng COVID-19 trong trường hợp cấp bách; theo đó đã cắt giảm tối đa các quy định và trình tự, thủ tục hành chính để điều tạo kiện có thể cấp phép lưu hành vắc xin nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắc xin.

- Để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19 trong nước, ngày 20/8/2020, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn về nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đăng ký lưu hành, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 và thành lập Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ nghiên cứu sản xuất, kiểm định chất lượng, thử nghiệm lâm sàng, đánh giá thực hành tốt sản xuất thuốc, đăng ký lưu hành vắc xin phòng COVID-19.

- Bộ Y tế đã cho phép triển khai gối đầu giữa các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (TNLS); các Vụ, Cục của Bộ cũng đã chủ động hướng dẫn, tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, thử nghiệm lâm sàng vắc xin cho các nhà sản xuất, tổ chức nhận thử nghiệm lâm sàng; Bộ Y tế cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế trong đó có các chuyên gia của WHO để tư vấn cho các nhà sản xuất về nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19; Hội đồng đạo đức trong nghiên cửu y sinh học quốc gia đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp để xét duyệt đề cương nghiên cứu, thẩm định các sửa đổi, bổ sung đề cương nghiên cứu, đánh giá kết quả giữa kỳ các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng; Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành trong trường hợp cấp bách.

2. Cử tri kiến nghị: Hiện nay, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được chỉ đạo và điều hành bởi hệ thống các văn bản trong đó có các Nghị quyết của Chính phủ, Chi thị của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại điều 4 của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 số 80/2015/QH13 quy định có 15 loại văn bản nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chi thị không được quy định là văn bản quy phạm pháp luật điều này gây khó khăn cho Tổ Covid cộng đồng thực hiện nhiệm vụ khi tiếp xúc, giải thích, thuyết phục với các thành phần di chuyển đến - đi trên địa bàn. Cử tri đề nghị xây dựng văn bản điều hành việc phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo việc triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 1553/BYT-VPB1 ngày 29/3/2022 Bộ Y tế trả lời như sau:

- Ngày 30/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3638/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quy định cụ thể về nhiệm vụ, vai trò của “Tổ COVID cộng đồng”; ban hành Quyết định số 4349/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 về Hướng dẫn triển khai “Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng”, trong đó Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập các Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Theo quy định tại Điều 4 của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 số 80/2015/QH13, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã là một trong 15 loại văn bản thuộc Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

- Ngày 17/3/2021, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023). Đồng thời, rà soát các văn bản phòng, chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo thẩm quyền; kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

3. Cử tri kiến nghị: Đề nghị nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ và Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế theo hướng giao Trạm Y tế xã, phường, thị trấn về cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý để đảm bảo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chăm lo cho đội ngũ cán bộ và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chí phát triển của địa phương (trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới)”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 9157/BYT-VPB1 ngày 27/10/2021 Bộ Y tế trả lời như sau:

(1) Ngày 08/12/2014, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2014/NĐ-CP quy định về y tế xã, phường, thị trấn; tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 117 quy định “Tổ chức y tế xã, phường, thị trấn là đơn vịy tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh" để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi trong việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ. Vì Trạm y tế không phải là đơn vị sự nghiệp hoàn chỉnh (chỉ bố trí các chức danh chuyên môn) nên phải thuộc đơn vị sự nghiệp hoàn chỉnh là Trung tâm Y tế huyện để bảo đảm trong công tác quản lý chung; nếu quy định trạm y tế là đơn vị sự nghiệp hoàn chỉnh sẽ tăng tổ chức, tăng số lượng người làm việc ở bộ phận hành chính.

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã nêu “Thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một Trung tâm Y tế đa chức năng, bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; Trung tâm trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có)” đã khẳng định việc quy định “Trạm y tế là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện cấp huyện" đã hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính thực tiễn.

(2) Ngày 27/5/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (thay thế Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 25/10/2016); trong đó xác định các đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện có: (i) Trạm y tế xã, phường, thị trấn, (ii) Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh (nếu có); đồng thời xác định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đối với các đơn vị y tế trên địa bàn theo phân công, phân cấp và phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác y tế, dân số trên địa bàn”. Đến thời điểm hiện tại, 62/63 tỉnh, thành phố quy định Trạm y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị y tế thuộc у Trung tâm Y tế huyện (tỉnh Quảng Ninh thực hiện thí điểm giao Phòng Y tế quản lý Trạm y tế xã từ năm 2016).

(3) Những văn bản nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng, kết quả thực hiện trên phạm vi toàn quốc là cơ sở thực tiễn khẳng định vị trí của Trạm y tế trong hệ thống, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý chung đối với Trạm y tế trên cơ sở nội dung công việc cũng như quản lý các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) theo quy định của pháp luật và phân cấp hiện nay./.