Năm 2016, ngành LĐ,TB&XH đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Trong đó, tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chương trình, dự án về lao động. Kết quả năm 2016 đã giải quyết việc làm cho khoảng trên 1,6 triệu người, đạt 102,5% kế hoạch và tăng 1% so với thực hiện năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,3%. Trong đó, khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%. Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động và cải thiện quan hệ lao động được thực hiện tốt. Giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, ước cả năm tuyển sinh dạy nghề được gần 2 triệu người (đạt 91,8% kế hoạch năm và bằng 99,7% so với năm 2015); ước tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo gần 1,9 triệu người (đạt 98,9% so với kế hoạch). Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 53%. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, ngành đã trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho gần 1,4 triệu đối tượng với kinh phí khoảng 27,4 nghìn tỷ đồng; trợ cấp giáo dục cho trên 162 nghìn đối tượng với kinh phí trên 1.350 tỷ đồng. Thí điểm thực hiện chi trả trợ cấp người có công qua Bưu điện tại 02 tỉnh Quảng Nam và Đồng Nai. Đặc biệt, ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ. Trong năm đã tìm kiếm quy tập và an táng hơn 1.173 hài cốt liệt sĩ. Đến cuối năm 2016, cả nước có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Với các lĩnh vực xã hội khác như Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, công tác trợ giúp xã hội, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác phòng chống tệ nạn xã hội được thực hiện tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại những hạn chế như: Giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường vẫn còn khó khăn; công tác tuyển sinh học nghề, tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp về dạy nghề, phân luồng học sinh còn nhiều hạn chế; đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ còn nhiều khó khăn; tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục còn diễn biến phức tạp; tình hình tệ nạn mại dâm có chiều hướng gia tăng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ngành Lao động – Thương Binh và Xã hội đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định. Song sự cố gắng này cần rõ nét hơn nữa và thể hiện bằng kết quả cụ thể hơn trong năm 2017. Trong đó, Bộ cần đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ một số vấn đề trọng tâm khác như: Thực hiện nghiêm túc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Ban hành khung pháp lý và thực hiện đầy đủ quyền cho trẻ em cũng như xem xét, đánh giá việc thực hiện vấn đề này ở địa phương nhằm mang lại hiệu quả thực sự; phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong thực hiện Luật và quyền cho trẻ em. Quan trọng nhất, Bộ cần chăm lo tốt nhất Tết 2017 cho các đối tượng trong phạm vi quản lý của Bộ.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho 02 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, bảo vệ tổ quốc; tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho 01 cá nhân. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Sở LĐ-TB&XH 22 tỉnh (trong đó có Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình) và 20 đơn vị thuộc Bộ đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2016.