DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

27/09/2022 00:00
1. Cử tri kiến nghị: “Theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, các địa bàn vùng khó khăn thì khoảng cách chênh lệch giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khá giả không xa. Do vậy, cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, áp dụng chung chính sách trên cho tất cả các đối tượng là người cao tuổi từ 75 tuổi ở địa bàn khó khăn”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 2899/LĐTBXH-VP  ngày 05/8/2022  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời như sau:

Trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã 03 lần trình Chính phủ ban hành văn bản quy định hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi: (i) Nghị định số 30/2002/NĐ CP ngày 26/3/2002 quy định người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội, (ii) Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 quy định giảm độ tuổi người cao tuổi xuống còn 85 tuổi; (iii) Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi một lần nữa giảm độ tuổi người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội của Nhà nước được hưởng trợ cấp xã hội xuống còn từ đủ 80 tuổi.

Ngày 15/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó đã mở rộng thêm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định này đang sống tại các địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Việc mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là một cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh cả nước đang tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định: Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn, bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này; đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội; đối tượng người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại địa phương.

- Về quy định người có lương hưu cũng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Đây là chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng nhằm hỗ trợ người cao tuổi bớt khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên đã có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì không được hưởng. Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp ý kiến cử tri, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.

2. Cử tri kiến nghị: Theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh về tuổi nghỉ hưu được áp dụng theo từng vùng. Theo đó, ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn đề nghị áp dụng đối với lao động Nam là đủ 60 tuổi và lao động Nữ là đủ 55 tuổi”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 2888/LĐTBXH-VP  ngày 05/8/2022  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời như sau:

Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động quy định người lao động làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường. Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 quy định về tuổi nghỉ hưu trong đó có quy định về nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường đối với trường hợp người lao động làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 19/2021/TT BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 ban hành Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn làm cơ sở xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.

3. Cử tri kiến nghị: Tại khoản 1 Điều 85 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ có quy định chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công là hằng năm hoặc 02 năm 1 lần. Tuy nhiên, hiện nay, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công đang được thực hiện là 02 năm/lần. Do đó, cử tri đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm, rút ngắn thời gian nghỉ dưỡng đối với người có công từ 2 năm/lần xuống 1 năm/lần”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 2959/LĐTBXH-VP  ngày 05/8/2022  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời như sau:

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung.

Từ năm 2013, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, tiếp theo đến Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm hoặc hai năm một lần. Trong quá trình thực hiện, những năm qua đều triển khai đúng quy định tại các Nghị định nêu trên, cụ thể:

Đối tượng diều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con duy nhất là liệt sĩ hoặc có hai con liệt sĩ trở lên; Bà mẹ Việt nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần: Cha đẻ, mẹ đẻ (không thuộc đối tượng điều dưỡng hằng năm), người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày, Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến.

Quy định như trên là phù hợp so với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay và cân đối một tổng thể chính sách người có công với cách mạng.

4. Cử tri kiến nghị: Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, mức trợ cấp hàng tháng đối với nạn nhân chất độc da cam đang thực hiện 4 mức, theo đó, người suy giảm khả năng lao động từ 21-40% được hưởng trợ cấp mức 1 là 1.234.000đ/tháng là rất thấp. Cử tri đề nghị tăng các mức hỗ trợ đối với nạn nhân chất độc da cam, trong đó đề nghị tăng mức hỗ trợ đối với mức 1 lên bằng mức 4 hiện nay là 3.703.000đ/tháng. Bên cạnh đó, đề nghị có hướng dẫn đối với đối tượng nạn nhân chất độc da cam bị mất giấy tờ được hưởng chế độ theo quy định hiện hành”.

Trả lời:

Tại Văn bản số 2962/LĐTBXH-VP ngày 05/8/2022 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời như sau:

Ngày 24/7/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2021. Theo đó đã có một số điều chỉnh về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như: Mức trợ cấp đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng được điều chỉnh tăng lên bằng 3 lần mức chuẩn (từ 1.624.000 đồng/tháng được điều chỉnh lên 4.872.000 đồng/tháng); mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ tăng từ mức 500.000 đồng/năm lên 1.400.000 đồng/năm; chế độ điều dưỡng tại gia đình và điều dưỡng tập trung cũng được điều chỉnh tăng lên với 1.461.600 và 2.923.200 đồng/năm ... cùng với đó là việc điều chỉnh các mức trợ cấp, phụ cấp khác nhằm từng bước nâng cao đời sống người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các nội dung khác như: Hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các cơ sở nuôi dưỡng, diều dưỡng, cơ sở đón tiếp người có công với cách Hỗ mạng trợ kinh phí mua thuốc, chăm sóc y tế để các cơ sở nuôi dưỡng thực hiện chăm sóc y tế thông thưởng, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công đang nuôi dưỡng tại cơ sở; Hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; Hỗ trợ phục vụ công tác điều dưỡng người có công; Chỉ xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Chi đón tiếp, thăm hỏi, tặng quà người có công;...

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương nghiên cứu hoản thiện chính sách, điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay./.