1. Cử tri kiến nghị: “Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể hóa một số chỉ tiêu đánh giá để thuận lợi cho việc đánh giá đủng hộ nghèo theo điều kiện thực tế của địa phương, một số các tiêu chí đánh giá còn bất cập, ví dụ: Mẫu số 3.3. Bảng quy ước điểm Phiếu B1 về chỉ tiêu đánh giá: (1) Chỉ tiêu số 2 số người trong độ tuổi lao động: Trong đó hộ có 01 người thì được 5 điểm, còn hộ có từ 2 người trở lên thì không có điểm. (2) Chỉ tiêu số 7 Nhà ở: Vật liệu chính của tường nhà là bê tông; gạch/đá; xi măng; gỗ bền chắc thì có điểm, còn Vật liệu chính của cột nhà là bê tông cốt thép; gạch/đá; sắt/thép/ gỗ bền chắc thì không có điểm. (3) Chi tiêu số 10 Nước sinh hoạt: Nước máy, nước đóng chai/ bình và Giếng khoan thì có điểm; giếng đào được bảo vệ, khe/mỏ được bảo vệ thì không có điểm, tiêu chí này đối với các hộ vùng sâu vùng xã của tỉnh Sơn La là không phù hợp. (4) Chỉ tiêu số 14. Chăn nuôi: Hộ có từ 10 con lợn/dê/cừu thì không có điểm; còn hộ có từ 100 con gà/vịt/ngan/ngỗng/chim thì có điểm”
2. Cử tri kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh việc đánh giá tiêu chí hộ nghèo còn bất cập, hiện nay hộ đông người được tính điểm và tính hộ nghèo (trong đó có trường hợp sinh con thứ 3 và có một số hộ có chiều hướng sinh con thứ 3 (Pháp lệnh dân số hiện nay chỉ được sinh 1 đến 2 con) thì được tính chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; các hộ có con đi học đại học thì rất khó khăn lại không được tính chỉ số này)”.
Trả lời:
Tại Văn bản số 4876/LĐTBXH-VP ngày 23/12/2021 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18/7/2021 hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo. Phương pháp, bộ công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 được xây dựng trên cơ sở kế thừa từ giai đoạn 2016 – 2020; đồng nhất với phương pháp, bộ công cụ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, bảo đảm thu thập thông tin, đặc trưng của hộ gia đình một cách toàn diện, hệ thống trong mối tương quan logic và khoa học giữa các chỉ tiêu, phù hợp với đặc điểm vùng, miền để ước lượng mức thu nhập (không chấm điểm theo giá trị từng tài sản) và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ gia đình, bảo đảm phản ánh khách quan thực trạng nghèo của hộ gia đình.
3. Cử tri kiến nghị: “Hiện nay, các chính sách hỗ trợ đối với thanh niên xung phong các thời kỳ hiện nay còn thấp, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế”
Trả lời:
Tại Văn bản số 546/LĐTBXH-VP ngày 08/3/2021, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã trả lời như sau:
Việc nghiên cứu ban hành chính sách đối với thanh niên, trong đó có thanh niên xung phong thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Vì vậy, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chuyển kiến nghị của cử tri đến Bộ Nội vụ để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay./.