Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đồng thời tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo. Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành. Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.
Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19. Qua đó, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 01 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả Ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2021-2022, đồng thời phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, liên quan đến nhiều vấn đề như dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2; tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023; vấn đề sách giáo khoa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục đã vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, ngành học và đạt nhiều kết quả tích cực. Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và trân trọng sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh trong dạy và học cũng như thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong năm học vừa qua. Để nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động giáo dục trong năm học tới và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị toàn Ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục trên tất cả các mặt công tác; thực hiện thực chất việc dạy và học, gắn dạy học văn hóa với rèn luyện kỹ năng, giáo dục đạo đức lối sống. Cùng với đó tập trung rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục phù hợp với từng địa phương, từng vùng, miền. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định về việc huy động nguồn đóng góp cho trường học. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong toàn ngành, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị nhà trường trên nền tảng công nghệ thông tin; tăng cường nguồn học liệu điện tử… Lưu ý Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc phân bổ, tuyển dụng biên chế mới được bổ sung. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương thu học phí trong các nhà trường; vấn đề sách giáo khoa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời giao nhiệm vụ cho bộ, ngành chức năng, các địa phương tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT./.