DetailController

Thời sự trong ngày

Biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

12/05/2010 00:00

Sáng 12/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ Nhất đã được khai mạc trọng thể. Tham dự Đại hội có 1.702 đại biểu chính thức đại diện cho các thành phần dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

 

Tham dự Đại hội còn có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt.
Tới dự Đại hội cũng có các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội; các đồng chí đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; các đồng chí Lãnh đạo cơ quan công tác dân tộc qua các thời kỳ, các trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số; đại diện các đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi Lẵng hoa chúc mừng Đại hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng Đại hội.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội nhấn mạnh: Bác Hồ lúc sinh thời đã cùng Đảng và Nhà nước ta quan tâm tổ chức hai Đại hội đại biểu DTTS ở miền Bắc và miền Nam. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đồng bào các DTTS cả nước đã chung sức, chung lòng góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Việt Nam; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Đây là lần đầu tiên Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô toàn quốc. Đại hội nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong suốt chặng đường dài của cách mạng Việt Nam, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết; khẳng định tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của của các DTTS đối với thắng lợi chung của Cách mạng Việt Nam. Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đây cũng là nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS trong cả nước. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, biểu tượng của khối đại đoàn kết các dân tộc thống nhất ý chí và hành động để phát huy sức mạnh của dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống của đồng bào các DTTS không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm, đền ơn, đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
 
Đọc báo cáo Chính trị tại Đại hội, Bộ trưởng - Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định: Hơn 80 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp cách mạng của cả nước; vùng dân tộc thiểu số là chỗ dựa vững chắc của cách mạng, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng, một lòng, một dạ theo Đảng và Bác Hồ, không ngại gian khổ, hy sinh góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc đã có những chuyển biến quan trọng. Các địa phương vùng dân tộc đạt tốc độ phát triển cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Hàng năm số hộ nghèo giảm 4-5%. Thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các Chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi.
Công tác giáo dục, đào tạo ở các vùng dân tộc đạt được những thành quả quan trọng. Đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đang tiến tới phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hầu hết các xã, thôn, bản đều có trường học, nhà mẫu giáo, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường. Công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng các dân tộc được chú trọng, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, miễn phí khám chữa bệnh, các huyện vùng dân tộc có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy. Nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ…. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, 80% hộ được xem truyền hình, 90% hộ gia đình được nghe đài phát thanh. 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng được tăng cường. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương ngày càng được nâng lên.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam

Đến năm 2020, mục tiêu của công tác dân tộc: phấn đấu nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng; thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập giữa các dân tộc, các vùng; đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, mỗi năm giảm từ 4-5% hộ nghèo; các xã có đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu như đường ô tô đi đến trung tâm các xã, trường học kiên cố, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, đảm bảo trẻ em trong độ tuổi được đến trường, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông, người lao động được đào tạo nghề; văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở được củng cố và nâng cao chất lượng; giữa vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo quốc phòng ở vùng dân tộc và miền núi.
Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác dân tộc còn những hạn chế: tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số còn cao so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, số hộ tái nghèo còn nhiều. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống; chất lượng nguồn nhân lực thấp; đội ngũ cán bộ thiếu và yếu. Tổ chức chính quyền cơ sở một số nơi còn yếu kém, hiệu quả hoạt động chưa cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong mỗi bước đi của cách mạng Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số đã luôn luôn cùng đồng bào cả nước một lòng thủy chung son sắt theo Đảng và Bác Hồ, cống hiến công sức, máu xương cho sự nghiệp chung, giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
 
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại Đại hội
 
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân nhân cả nước, đặc biệt là những cố gắng lớn lao của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng đồng lòng, chung sức từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc và miền núi, vì sự nghiệp phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào cả nước thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu: Nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành chương trình hành động của Chính phủ, của các cấp, các ngành nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng cùng với sự phát triển chung của cả nước, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước.
Thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng phát triển; nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc. Bên cạnh đó cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế mang tính đột phá trong đầu tư phát triển. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ sở vật chất cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trao bức trướng tặng Đại hội
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân; học tập tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và phát triển bền vững của đất nước và dân tộc. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác các điạ bàn vùng dân tộc, phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo… để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào, làm phương hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kiết dân tộc... (Toàn văn bài phát biểu đăng trên Báo điện tử ĐCSVN).

Thay mặt Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kêu gọi đồng bào các dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 do Đại hội đề ra…
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trao tặng Đại hội bức trướng với nội dung: “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ Nhất sẽ bế mạc vào chiều mai 13/5./.