DetailController

">
">

Sức khỏe - Đời sống

Bệnh "tê tê, say say" trở lại Lạc Sơn

09/06/2010 00:00

Hơn một năm qua người dân ở huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) không còn bị ám ảnh căn bệnh quái ác "tê tê, say say". Sau nhiều năm "oanh tạc" trên mảnh đất này, cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân tưởng như căn bệnh lạ đã chấm dứt thế nhưng, bệnh đã xuất hiện trở lại. Từ tháng 4/2010 đến nay đã có 22 người mắc bệnh, người dân và các cơ quan chức năng địa phương lại lo sốt vó.

Gia đình anh Bùi Văn Nhi ở xóm Dài 1, xã Bình Chân

 

Hoang mang vùng bệnh
 
Một ngày đầu tháng 6/2010, chúng tôi trở lại xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn, nơi từng có căn bệnh “tê tê, say say”. Suốt từ năm 1999 đến nay, gần như năm nào bệnh cũng bùng phát và mỗi lần có bệnh lại có nhiều người dân mất mạng. Điển hình là năm 2005, xã có 40 người mắc bệnh và 13 người tử vong. Bây giờ người dân đã phần nào "quen", nhưng khi căn bệnh chết người này tái phát họ cũng chẳng thể nào ăn ngon ngủ yên.
 
Trạm y tế xã Bình Chân những ngày này bận rộn vô cùng. Người dân xếp hàng dài ngoài hành lang, các cán bộ y tế ai cũng tất bật với công việc. Tôi vừa giới thiệu là nhà báo, bà Bùi Thị Khương, trạm trưởng Trạm y tế xã đã đoán ngay: "Chắc anh về tìm hiểu bệnh "tê tê, say say" chứ gì. Bao nhiêu năm nay nhà báo đến trạm chẳng quan tâm gì hơn ngoài căn bệnh này".
 
Bà Khương bảo, bây giờ người dân đã chủ động trong việc đối phó với bệnh nên sự nguy hiểm đến tính mạng đã giảm đi rất nhiều. Ai cũng sợ bệnh này "vướng" vào mình nên có biểu hiện bất thường là họ đến trạm y tế để kiểm tra, lấy thuốc đề phòng. Đó là lý do năm nay có đến 22 người mắc bệnh nhưng chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.
 
Mấy năm trước đây, bệnh thường xuất hiện ở xóm Cành, xã Bình Chân nhưng năm nay bệnh lại chuyển sang xóm Dài 1. Anh Bùi Văn Nhi ở  xóm Dài 1 là người đầu tiên phát hiện ra bệnh trong năm nay. Ngày 14/4, khi đi làm đồng về anh thấy đầu óc mình choáng váng, đi lại không vững.
 
Sau đó, 10  đầu ngón tay tê cứng và mất dần cảm giác, 2 chân từ đầu gối trở xuống cũng bị tê buốt. Ban đầu anh nghĩ là do ảnh hưởng của buổi uống rượu ngày hôm trước nên người bị suy nhược. Thế nhưng, mỗi ngày anh lại cảm nhận tay chân tê cứng hơn, người mệt mỏi hơn. Thấy triệu chứng rất rõ của bệnh "tê tê, say say" nên anh được cho truyền dịch và uống viatmin B1 kịp thời. Sau khi dùng thuốc gần như lập tức anh trở lại trạng thái bình thường.
Bệnh của anh Nhi vừa thuyên giảm, lại thêm 5 người trong nhà cũng lần lượt mắc triệu chứng tương tự. Vẫn cách điều trị như trên và mọi người đến nay đang dần khỏi bệnh. Anh Nhi cho biết, hiện tại anh đã đi làm bình thường, tuy nhiên mỗi ngày anh vẫn bị "lên cơn" hai lần.
 
Buổi sáng từ 8 - 9h, buổi chiều từ 13 - 14h. Mỗi lần lên cơn anh thấy choáng váng, chân tay vẫn tê bì. Những lúc như vậy anh lại phải uống B1 và cơn bệnh lập tức tan biến. Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ bệnh phát tác anh Nhi lại phải "cố thủ" trong nhà và dùng vitamin B1. 
 
Xóm Dài 1 có 28 hộ đến nay đã có 5 hộ có người mắc bệnh. Đây là lần đầu tiên người dân xóm này mắc bệnh nên ai cũng rất lo lắng. Nhà nào cũng tích trữ  thuốc vitamin nhóm B trong nhà để đề phòng có  biểu hiện bệnh là dùng ngay.
 
Chung sống cùng bệnh
 
Ông Nguyễn Văn Bình, phó trưởng khoa Kiểm soát Dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn thừa nhận: Hiếm có một căn bệnh nào kỳ lạ như bệnh "tê tê, say say".
 
Kể từ ngày phát hiện ra căn bệnh này, hàng chục các đoàn nghiên cứu, các tổ chức y tế trong và ngoài nước đã về đây làm tất cả các loại xét nghiệm nhưng cuối cùng chẳng thể gọi tên đó là bệnh gì. Có người gọi đó là "bệnh địa phương" vì chỉ có người dân một số địa phương đặc biệt là ở Hoà Bình mới mắc phải.
 
Phần lớn gọi theo triệu chứng của bệnh là "tê tê, say say" vì người bệnh có biểu hiện tê bì chân tay và đầu lúc nào cũng "say say" như người say rượu. Đã có hàng chục người mất mạng vì căn bệnh lạ lùng này. Có người tử vong chỉ sau 30 phút kể từ lúc phát bệnh.
 
Đất, nước, không khí... chẳng thiếu một thứ gì không được làm xét nghiệm nhưng bệnh vẫn là một ẩn số. Các bệnh viện lớn ở trung ương, các tổ chức y tế ở những nước phát triển như Nhật, Đức, Mỹ đều đã có mặt ở Bình Chân nhưng rồi căn bệnh lạ vẫn chẳng thể điểm mặt chỉ tên.
 
Thậm chí năm 2006, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã đưa 10 người bệnh ở Bình Chân ra ăn ở tại bệnh viện để theo dõi nhưng cuối cùng cũng không kết luận được. Có người nghi ngờ ăn uống thiếu chất nhưng nguyên nhân đó cũng sớm bị loại bỏ vì bệnh chẳng từ ai ra, kể cả nhà giàu. Bệnh không lây nhưng thường xuất hiện theo vùng, nhóm và gia đình...
 
Người dân Lạc Sơn hoang mang cũng phải bởi họ đã phải chứng kiến rất nhiều những cái chết đột ngột chỉ trong nháy mắt. Có  cháu bé đang đi chăn trâu ngã lăn ra chết vì không kịp uống thuốc. Có người lại không nhận biết bệnh sớm cũng chết oan uổng.
 
Ông Bình cho biết, điều trị bệnh này khá đơn giản, một người đang mắc bệnh nhưng uống thuốc chỉ sau một tiếng đồng hồ có thể trở lại trạng thái bình thường. Người nặng hơn thì truyền nước là cắt được cơn bệnh. Tuy nhiên, bệnh rất dễ gây ra tử vong nên mỗi lần xuất hiện triệu chứng đều phải "canh như canh lửa".
 
Mấy năm nay việc tích cực làm vệ sinh môi trường nên có vẻ như bệnh đã giảm. Năm 2009, không thấy xuất hiện bệnh khỏi phải nói người dân Lạc Sơn vui sướng đến nhường nào. Các cơ quan y tế địa phương thì hy vọng đã tìm ra "thủ phạm".
 
Thế nhưng đến tháng 4/2010, bệnh lại bùng phát. Giải pháp duy nhất ở Lạc Sơn lúc này là chung sống với bệnh "tê tê, say say". Từ người dân cho đến các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết mình để không xảy ra những trường hợp tử vong đáng tiếc như những năm trướcTheo các cụ cao niên trong xã  kể lại, bệnh "tê tê, say say" có từ  cả chục năm trước. Ngày đó không có cách điều trị nên mắc bệnh thường dẫn đến tử  vong nên các cụ gọi đó là "bệnh toi". Tuy nhiên, trước đây số người mắc bệnh rất ít không tràn lan như khoảng chục năm trở lại đây. Bây giờ dù đã có cách điều trị nhưng với tính chất nguy hiểm của căn bệnh này nên mỗi lần bệnh bùng phát người dân lại giật mình thon thót và lo sợ.
 
 
Biểu hiện rõ nhất của bệnh "tê tê, say say" là chân tay tê bì, mất cảm giác, đầu óc say say như người say rượu nên không làm chủ được mình, đi lại khó khăn. Bệnh nặng gây rối loạn nhịp tim dẫn đến tử vong tức thì. Bệnh năm nay còn có một diễn biến mới đó là sưng mi mắt, buồn ngủ và tê đầu lưỡi. Bệnh này nếu biết chủ động đối phó thì không có gì nguy hiểm nhưng người mắc bệnh không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong ngay. Bệnh được điều trị bằng cách uống vitamin nhóm B, chủ yếu là vitamin B1, người nặng phải truyền dịch.