Tỉnh Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm hơn 63% số dân, là trung tâm đồng bào dân tộc Mường cả nước. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc. Các thế hệ người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.
Mo Mường - Sử thi thần thoại
Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường, không gian diễn xướng của Mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành Mo Mường là Ông mo, Thầy mo (hoặc Ông Tlượng) - những người nắm giữ tri thức Mo, không những thuộc lòng hàng vạn câu mo, mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán. Trong xã hội Mường, Ông mo là những trí thức dân gian, là người có uy tín trong cộng đồng.